Hiện nay, thế giới có 54% số ca mắc lao đa kháng thuốc được chữa khỏi, nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam đã đạt hơn 70%. Nếu điều trị theo phác đồ chín tháng, tỷ lệ thành công có thể lên tới 85%. 98% gia đình có người mắc lao sẽ không phải đối diện với chi phí "thảm họa" như trước.
Theo PGS,TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Việt Nam đang là nước đi đầu thế giới trong công tác phòng chống lao vì những chiến lược mới và phù hợp.
Tỷ lệ chữa khỏi lao đạt hơn 70%
Hiện số người mắc bệnh lao đang giảm hàng năm khoảng 5-6%, số tử vong vì bệnh giảm nhanh hơn. Trong hai năm 2015-2016, cả nước đã giảm 3.000 người chết vì lao. Đó là nhờ công tác chủ động khám, phát hiện sớm bệnh lao.
GS,TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, Việt Nam có kết quả điều trị bệnh lao rất tốt, phát hiện sớm tất cả các thể lao, cung cấp dịch vụ điều trị lao cho tất cả người bệnh sau chẩn đoán, điều trị lao tiềm ẩn. Hằng năm, cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới. Công tác chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.
Chương trình chống Lao quốc gia đã mở rộng diện tầm soát quản lý lao kháng thuốc từ 51 lên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chương trình chống lao đã mở rộng diện tầm soát lao đa kháng thuốc tới nhóm bệnh nhân lao phổi AFB (+) tại tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Chương trình phòng chống lao quốc gia đã áp dụng khuyến cáo của WHO trong việc sử dụng các test chẩn đoán mới như genExpert, Hain test trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây. Đồng thời chương trình cũng thí điểm sử dụng các thuốc mới như Bedquiline và phác đồ điều trị lao đa kháng ngắn hạn.
Năm 2017, Chương trình chống lao quốc gia bắt đầu áp dụng quy trình quản lý và điều trị bệnh nhân lao tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc bằng phác đồ cá nhân tại các đơn vị quản lý lao kháng thuốc.
Hiện nay, Việt Nam cũng đã triển khai thành công điều tra dịch tễ lao toàn quốc lần thứ 2; Hoàn thành xây dựng đề án can thiệp tích cực cho khu vực Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Một số mô hình can thiệp mới, tích cực đang được mở rộng ở nhiều địa phương.
Nhiều thách thức chấm dứt lao vào năm 2030
Năm 2018, Chương trình chống lao quốc gia sẽ mở rộng sàng lọc tới các nhóm đối tượng nghi kháng thuốc và 100% nhóm bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới. Để thực hiện được yêu cầu này, Chương trình chống lao sẽ tăng số máy Gene, bảo đảm cung ứng cartridge, falcon đầy đủ, vận dụng tối ưu hệ thống chuyển mẫu qua bưu điện; xây dựng mô hình quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc một cách linh hoạt, tiếp cận lấy người bệnh làm trung tâm và giảm thiểu tỷ lệ bỏ điều trị; mở rộng triển khai phác đồ ngắn hạn điều trị lao đa kháng thuốc trên phạm vi toàn quốc.
Chương trình tăng cường phát hiện và quản lý bệnh nhân tiền kháng, siêu kháng; cung ứng đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, xét nghiệm theo dõi điều trị bảo đảm bệnh nhân được thu nhận điều trị kịp thời ngay sau khi phát hiện và đạt tỷ lệ điều trị thành công cao (90%).
Hiện nay, dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, với 20% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng.
“Chúng ta chưa tầm soát hết các đối tượng nghi kháng đa thuốc (MDR), tỷ lệ người được xét nghiệm GeneXpert trong số nghi MDR còn hạn chế tại nhiều địa phương. Công tác phối kết hợp trong hoạt động phối hợp y tế công - tư/công công (PPM) vẫn còn hạn chế. Hầu hết sự phối hợp hiện nay chủ yếu là mô hình chuyển người nghi lao đến khám phát hiện. Sự hợp tác để phát hiện lao trẻ em giữa Chương trình chống Lao quốc gia và các cơ sở nhi khoa ở tỉnh và huyện chưa thường xuyên và chưa hiệu quả. Địa bàn triển khai rộng, thiếu cán bộ cả về số lượng và năng lực. Chưa đạt được chỉ tiêu phát hiện cam kết với nhà tài trợ”, Giám đốc BV Phổi Trung ương phân tích.
Vì thế, để hỗ trợ công tác phòng chống lao quốc gia, Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ là nguồn tài chính bền vững nhất để hỗ trợ người mắc lao. Hiện, BHYT đã chi trả cho việc chẩn đoán và điều trị lao. Đến năm 2019, BHYT sẽ bao phủ thuốc (hàng 1) điều trị cho bệnh nhân lao.
Việt Nam đã đặt chỉ tiêu giảm 30% tỷ lệ hiện mắc và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong vòng 5 năm từ 2015 – 2020. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 80% số bệnh nhân lao; giảm 90% tử vong do lao và 100% gia đình mắc lao không bị ảnh hưởng thu nhập. Để đạt mục tiêu đề ra, theo PGS,TS Nguyễn Viết Nhung, cần phải đẩy mạnh hoạt động tại y tế cơ sở hơn nữa.