Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của lao động cả nam và nữ theo lộ trình kể từ năm 2021. Tuổi nghỉ hưu của lao động bình thường là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Từ ngày 1-1-2021, cứ mỗi năm tăng thêm sáu tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Đây là thông tin từ hội thảo “Đánh giá tác động giới trong đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức.
Bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay, trong bối cảnh mới của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các quy định liên quan bình đẳng giới của Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012 đã không còn phù hợp với cách tiếp cận hiện đại về bình đẳng giới. Có những quy định nhằm bảo vệ lao động nữ, song lại có thể dẫn đến phân biệt, đối xử về giới, như quy định về các công việc không được sử dụng lao động nữ, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động năm năm… Từ nghiên cứu thực tế và kinh nghiệm các nước, đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận, xây dựng các quy định từ "bảo vệ lao động nữ" sang "thúc đẩy bình đẳng giới" đối với cả lao động nam và lao động nữ.
Bà Dương Thị Thanh Mai, trưởng nhóm Đánh giá tác động giới của BLLĐ, nhận xét, đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu giảm khoảng cách giới về tuổi hưu giữa nam và nữ nhưng tác động nhiều hơn lên lao động nữ do họ thuộc diện điều chỉnh tăng tuổi hưu nhiều hơn năm năm, so với lao động nam chỉ tăng hai năm. Tuy nhiên, đề xuất này chưa xoá được khoảng cách giới trong tuổi hưu; có nguy cơ làm phát sinh các bất bình đẳng mới do điều kiện, năng lực, trình độ của NLĐ ở các vị trí, tính chất công việc, ngành, nghề khác nhau, không phù hợp việc kéo dài tuổi nghỉ hưu dẫn đến khoảng cách về việc làm, thu nhập giữa các nhóm.
Để thực hiện tốt trong thực tế, bà Mai đề xuất cần bảo đảm lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, áp dụng hệ thống hưu trí linh hoạt để NLĐ có thể lựa chọn tiếp tục làm việc hay nghỉ hưu sớm hơn. Cũng cần có cơ chế khuyến khích những NLĐ tiếp tục làm việc.