Việc tiết kiệm năng lượng trong sản xuất dệt may không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp (DN) mà còn giúp bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN dệt may trong hội nhập vì các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã kí kết, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP đều có các cam kết về về môi trường, yêu cầu phát thải carbon thấp.
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo "Xây dựng thương hiệu - môi trường dệt may bền vững thông qua các giải pháp tiết kiệm năng lượng” vừa tổ chức tại TPHCM ngày 11/4.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, theo thống kê, trung bình mỗi năm ngành dệt may Việt Nam mất khoảng 3 tỷ USD cho chi phí năng lượng sản xuất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm ngành dệt may Việt Nam giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch, giảm thiểu sử dụng năng lượng là giải pháp cần thiết để tăng năng lực cạnh tranh cho ngành dệt may trên thị trường thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp dệt may đang đứng trước những cơ hội và thách thức trong tiến trình hội nhập. Công nghiệp dệt may của Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trên thị trường thế giới về chi phí giá thành, chất lượng sản phẩm về an toàn cho người tiêu dùng và an toàn cho chính người lao động trong ngành.
Trong khi đó, các điều khoản trong các FTA Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, cũng như chuẩn bị có hiệu lực đều đòi hỏi cam kết về các quy định về trách nhiệm xã hội của DN. Hơn nữa, trong đánh giá năng lực của DN đối tác, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới có xu hướng ưu tiên lựa chọn những DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chính vì vậy, các DN ngành dệt may cần tìm ra giải pháp trên nền tảng công nghệ 4.0, quản trị môi trường và tiết kiệm chi phí năng lượng đang là yêu cầu bức thiết không chỉ đối với sự phát triển bền vững của DN mà còn là trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường đang là một trong những thách thức lớn trong việc thâm nhập thị trường của ngành dệt may. Trong quá trình hội nhập khi các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ thì các hàng rào phi thuế quan - các rào cản thương mại cho ngành dệt may xuất hiện ngày càng rõ nét. Đối với việc tiết kiệm năng lượng, hiện nay một số thị trường lớn như Mỹ, EU đã có quy định về rào cản dán nhãn carbon, trong đó yêu cầu các nhà nhập khẩu phải tính toán mức độ phát thải carbon trên dây chuyền công nghệ sản xuất ra trên từng sản phẩm dệt may. Tại Việt Nam, nhiều DN dệt may cho biết đã nhận được yêu cầu của một số nhà mua hàng về việc dán nhãn carbon trên sản phẩm dệt may xuất khẩu.
Theo nhận định của các chuyên gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành dệt may Việt Nam là khá lớn, chiếm khoảng 30% thông qua việc áp dụng công nghệ, cách thức sử dụng và tiêu hao năng lượng. Tuy nhiên, việc tiết kiệm năng lượng trong sản xuất của ngành dệt may cũng đang gặp phải nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, giá năng lượng thấp trong khi chi phí thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng lại khá cao, điều này tạo rào cản đối với các DN trong việc triển khai đầu tư các dự án về tiết kiệm năng lượng.