PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế cho biết, mặc dù Việt Nam đã đạt những thành tựu rất lớn trong phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, nhưng hiện vẫn còn nhiều điểm nóng về sốt rét tại các tỉnh/thành như Gia Lai, Bình Phước, Đác Lắc, Khánh Hòa…
Thông tin này được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ trong hội thảo Tăng cường đầu tư giữ vững thành quả, hướng tới loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam được tổ chức sáng 24-4.
So với năm 2011, tỷ lệ mắc sốt rét trên 1.000 dân đã giảm 84,6%, số bệnh nhân sốt rét giảm 81,6%, số ký sinh trùng sốt rét giảm 72,6%, số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 57,1%. Đặc biệt, Việt Nam không để xảy ra dịch sốt rét. Mỗi năm có hàng triệu người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng biện pháp phòng chống muỗi sốt rét như phun tồn lưu và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi; hàng chục nghìn bệnh nhân được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí.
Mặc dù, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất lớn, nhưng hiện nay sốt rét vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với tỷ lệ người mang ký sinh trùng sốt rét cao như Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đác Lắc..
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, thách thức lớn nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện nay trong phòng chống sốt rét là sự biến động dân cư lớn ở nhiều vùng miền như sự di dân của người dân miền núi phía bắc vào Tây Nguyên làm tăng số ca mắc. Tập quán của người dân đi làm rừng/rẫy và ngủ lại qua đêm thường có tỷ lệ sử dụng màn và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác thấp.
Đặc biệt, một nửa số ca mắc sốt rét tại Việt Nam là sốt rét ngoại lai, chủ yếu tập trung ở những vùng có sự di dân lớn tại khu vực giáp ranh biên giới. Bên cạnh đó, sự di chuyển của quần thể muỗi kháng lại hóa chất, sự di dân lớn ở những vùng biên giới khiến tình trạng sốt rét kháng thuốc rất đáng quan ngại. Muỗi truyền bệnh hiện nay cũng đã thay đổi tập tính đốt người.
Theo PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương thì khó khăn hiện nay với Việt Nam trong đẩy lùi sốt rét là vấn đề ký sinh trùng sốt rét P.falciparum kháng Artemisinin đang có nguy cơ lan rộng. Chất lượng chẩn đoán và điều trị sốt rét tại tuyến cơ sở của nhiều địa phương chưa cao. Đặc biệt, những địa phương có bệnh sốt rét giảm thấp nhiều năm thì chính quyền tại đây còn chưa quan tâm đúng mức. Một khó khăn nữa là hiện nay nguồn kinh phí cho phòng chống sốt rét đang giảm dần do nguồn kinh phí viện trợ của quốc tế giảm.
PGS.TS Nguyễn Thanh Long nói, mặc dù Việt Nam đã có được kết quả rất tốt và được WHO ghi nhận, nhưng kết quả này chưa bền vững và nguy cơ sốt rét gia tăng vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương. “Chỉ riêng ba xã tại Bình Phước đã có tỷ lệ mắc ký sinh trùng gần bằng cả nước. Chúng ta đã cử cán bộ nằm vùng, cắm chốt ở điểm nóng mà vẫn chưa giải quyết được triệt để”, Thứ trưởng khuyến cáo.
Vì thế, việc tăng cường năng lực chẩn đoán điều trị được Thứ trưởng nhấn mạnh hàng đầu để đối phó với sự nguy hiểm của sốt rét ngoại lai. Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu cán bộ trong ngành y tế cần áp dụng phương thức quản lý điều trị dự phòng mới nhất để đối phó với diễn biến phức tạp của sốt rét tại các điểm nóng.
Trong chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét, Việt Nam đặt ra mục tiêu tiếp tục đẩy lùi sốt rét, loại trừ sốt rét loài P.falciparum vào năm 2025 và loại trừ hoàn toàn sốt rét vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, PGS.TS Trần Thanh Dương nhấn mạnh, Việt Nam tới đây cần giám sát và quản lý tốt các trường hợp mắc sốt rét trong đó cần xây dựng cơ sở dữ liệu về sốt rét ở tất cả các tuyến; Nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị rốt rét; Kiểm soát và phòng chống véc-tơ... "Để phòng chống sốt rét, một mình ngành y tế không thể làm nổi. Cần phải có sự kết hợp của các bộ, ngành và địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống và loại trừ sốt rét", PGS.TS Trần Thanh Dương nói.