Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Formosa Hà Tĩnh khẩn trương hoàn thành tất cả các hạng mục kỹ thuật, khắc phục đầy đủ các vi phạm, đặc biệt khẩn trương hoàn thiện xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống chuyển từ dập cốc ướt sang dập cốc khô trước tháng 7/2019.
Ngày 16/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra việc chấp hành các yêu cầu bảo đảm môi trường tại Formosa Hà Tĩnh và có cuộc làm việc với lãnh đạo Nhà máy.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận việc Formosa nhận trách nhiệm xả thải gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng, từ đó bồi thường, khắc phục hậu quả cũng như nỗ lực hoàn thiện các yêu cầu về công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.
Theo báo cáo, đến nay, công ty đã khắc phục được 52/53 hành vi vi phạm, các hạng mục đã cơ bản hoàn thành bảo đảm điều kiện vận hành chính thức lò cao số 1. Cụ thể, đã lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động kết nối và truyền dữ liệu tự động về Sở TN&MT và Bộ TN&MT (Tổng cục Môi trường), gồm hệ thống quan trắc nước thải tại xưởng xử lý nước thải sinh hóa (15 thông số quan trắc); hệ thống quan trắc nước thải tại xưởng xử lý nước thải công nghiệp (15 thông số); hệ thống quan trắc nước thải tại xưởng xử lý nước thải sinh hoạt (12 thông số); trạm quan trắc nước thải trước khi thải ra môi trường (16 thông số) và 20 hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục xung quanh khu vực 2 lò cao (8 thông số).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng ghi nhận việc thực hiện các giải pháp đáp ứng yêu cầu sản xuất theo mục tiêu mà dự án đã đề ra. Năm 2017 đã sản xuất được 2,2 triệu tấn thép, doanh thu trên 850 triệu USD; dự kiến năm 2018 sản lượng thép đạt 4,37 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,6 tỷ USD.
Với yêu cầu tiên quyết là bảo đảm an toàn tuyệt đối trong hoạt động xây dựng, vận hành nhà máy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam là không đánh đổi sản xuất, tăng trưởng lấy môi trường và yêu cầu Formosa tuân thủ tuyệt đối mọi yêu cầu, quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về kiểm soát môi trường, bảo đảm an toàn trong sản xuất, vận hành nhà máy.
“Phải duy trì chế độ kiểm soát môi trường đặc biệt nghiêm ngặt, bảo đảm không để xảy ra bất cứ sự cố môi trường nào. Nhà máy chỉ sản xuất nếu bảo đảm môi trường”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Formosa Hà Tĩnh khẩn trương hoàn thành tất cả các hạng mục kỹ thuật, khắc phục đầy đủ các vi phạm, đặc biệt khẩn trương hoàn thiện xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống chuyển từ dập cốc ướt sang dập cốc khô trước tháng 7/2019.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, quan tâm bảo vệ sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động.
“Formosa Hà Tĩnh cần quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân, không chỉ nhà ở dạng ‘ký túc xá’ mà tiến tới xây dựng nhà ở cho hộ gia đình công nhân, với đầy đủ các tiện ích, bảo đảm chất lượng”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt, khoa học của các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xác định nguyên nhân và khắc phục sự cố môi trường biển.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giám sát, phối hợp chặt chẽ với Formosa trong việc kiểm soát chặt, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất.
Bộ NN&PTNT chủ động, phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh và 3 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển khôi phục sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp.
Bộ TN&MT tiếp tục theo dõi, đánh giá môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất của Formosa Hà Tĩnh, không để xảy ra sự cố.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng đã đi thăm hỏi một số hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại biển Thiên Cầm và các hộ dân thôn Trung Tân, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sự cố môi trường.
Đến nay đã bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho trên 60.800 đối tượng với số tiền 1.748 tỷ đồng (đạt 99,1% so với kế hoạch). Từng bước khôi phục lại sản xuất và cuộc sống của người dân các thôn, xã bị ảnh hưởng, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn tất công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đến tận tay người dân.
“Phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp khẩn trương khôi phục hoàn toàn sản xuất nông nghiệp, các hoạt động dịch vụ, du lịch, ổn định cuộc sống của người dân với sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương và nguồn lực địa phương”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, phải chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các phương án để bảo đảm ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn; thu hút, giữ ổn định môi trường đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan liên quan trong việc tiếp tục giám sát xả thải của nhà máy Formosa, tăng cường quan trắc nước biển, giám sát chất lượng môi trường biển, không khí, đặc biệt tại Khu CN Vũng Áng theo đúng quy định của pháp luật; lên phương án chủ động xử lý trong mọi tình huống.
Đối với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng đề nghị cần chủ động, tích cực hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, đặc biệt trong quá trình khôi phục sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng hải sản và chất lượng môi trường, thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch biển./.