Tăng lương chỉ thực sự có tính đột phá khi tinh giản biên chế được thực hiện rốt ráo, đi vào thực chất, công khai, minh bạch.
Đã có một sự chuyển động bước đầu trong các cơ quan Nhà nước về việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phục vụ tinh giản biên chế. Câu chuyện này gắn liền với quyền lợi của rất nhiều người, cả người ở và người phải ra đi. Mục tiêu chúng ta hướng tới là để thúc đẩy hiệu quả của bộ máy nên việc tinh giản những người yếu kém cản trở sự phát triển là việc cần thiết.
Nói ra thì rất đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm lại vấp phải vô số khó khăn, vướng mắc.
Câu chuyện thứ nhất: Một vị làm quản lý trong cơ quan Nhà nước chia sẻ: Cơ quan tôi vừa có 2 người là tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về xin nghỉ việc. Lý do họ đưa ra là giờ con cái họ đã lớn, nhu cầu cuộc sống đã thay đổi nếu làm trong cơ quan Nhà nước với mức lương như hiện nay thì không đủ trang trải. Điều khiến những người làm quản lý tiếc nhất là những người được đào tạo bài bản, trình độ chuyên môn chín muồi thì lại bỏ cơ quan để phục vụ các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp nước ngoài. Nhìn thấy "chảy máu chất xám" mà không có cách gì "cầm" được, khi mà việc họ ở lại không có gì đảm bảo sẽ mang lại thu nhập từ lương tốt hơn hiện tại.
Câu chuyện thứ hai: Khi các vị trí việc làm trong đơn vị đã khá rõ ràng, mọi người đều phải phát huy hết năng lực, sở trường mới đảm bảo yêu cầu công việc thì lại có không ít người không thể làm được việc gì. Có những nhân viên được chuyển qua tất cả các phòng trong đơn vị nhưng đến đâu cũng bị kêu ca, phàn nàn vì không làm được việc gì. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao không làm được việc mà không cho nghỉ, để như thế vừa ảnh hưởng người khác và hiệu quả công việc của tập thể. Hỏi ra mới biết, người này có họ hàng với sếp. Thật khó!
Vì sao lại có những câu chuyện ngoài ý muốn như vậy? Những mối quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm... đang ràng buộc rất nhiều thứ khiến những người có trách nhiệm không dám "mạnh tay" dù mười mươi biết rõ sự thật. Rõ ràng, chúng ta đang muốn tinh giản biên chế để loại bỏ những người yếu kém ra khỏi bộ máy của Nhà nước. Thế nhưng, trong cuộc sàng lọc ấy, có những thứ chưa đạt nên khiến người giỏi phải dứt áo ra đi, còn những kẻ yếu kém, cơ hội lại tìm cách luồn lách để ở lại.
Người có năng lực thì thường có lòng tự trọng cao, không quen nịnh nọt, đeo bám. Ngược lại, những kẻ hay nịnh nọt, “mồm miệng đỡ chân tay” thì thường không làm được việc. Và nhiều khi việc đánh giá, đề bạt nhân sự lại bằng “tai” chứ không dựa vào năng lực thực tế khiến nhiều người giỏi bất đắc chí dứt áo ra đi.
Làm thế nào tinh giản được người yếu kém để có nguồn lực trả lương xứng đáng cho người có năng lực, đáp ứng được yêu cầu công việc? Mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng những thang bảng, tiêu chí đánh giá minh bạch, áp dụng công khai, công bằng với mọi thành viên. Đặc biệt, tiêu chí đánh giá lãnh đạo cũng cần phải khắt khe hơn, nếu không đáp ứng được yêu cầu vị trí công việc cũng phải "xuống", không cứ gì ngồi đó đợi hết nhiệm kỳ.
Đã có những địa phương dùng tiền ngân sách để hỗ trợ cho những người gần đến tuổi nghỉ hưu nghỉ sớm. Điều này, phần nào thể hiện sự bất lực của chúng ta trong việc đánh giá con người và loại bỏ họ khỏi bộ máy khi họ không còn đáp ứng được yêu cầu công việc. Vô tình, chúng ta đang tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tinh giản biên chế. Ngân sách Nhà nước sẽ không thể mãi kẽo kẹt kéo theo một guồng máy cồng kềnh, kém hiệu quả, không thể cải thiện vì những nhóm lợi ích. Đã đến lúc cần tạo một sân chơi sòng phẳng, tạo môi trường chọn lọc cán bộ, nhân viên... thì mới mong tinh giản biên chế hiệu quả để có nguồn lực cho việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức có năng lực. Còn như hiện nay, mỗi lần lương tăng nhỏ giọt khiến ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm, nhưng với ngân sách thì đã "oằn lưng"./.