Cuộc chiến ứng dụng gọi xe

07:49, 23/11/2018

Tháng 4 vừa qua, khi Uber chính thức rời bỏ địa bàn Ðông-Nam Á, Grab đã mặc sức làm mưa, làm gió trên thị trường ta-xi công nghệ. Ðể chớp cơ hội giành thị phần, hàng loạt ứng dụng gọi xe Việt liên tiếp ra đời, nhưng gần như không có tiếng vang. Chỉ đến khi Go-Viet xuất hiện, mới tỏ ra là đối thủ đáng gờm của Grab. Cuộc đua giữa hai doanh nghiệp đang ngày càng khốc liệt và chưa biết phần thắng sẽ nghiêng về bên nào.

Kẻ tám lạng, người nửa cân

Go-Jek là doanh nghiệp khởi nghiệp của In-đô-nê-xi-a vận hành ứng dụng gọi xe cùng tên, Việt Nam là thị trường đầu tiên Go-Jek mở rộng dịch vụ ra khỏi lãnh thổ với đối tác có tên Go-Viet. Giữa tháng 9 vừa qua, Go-Viet chính thức chào thị trường Hà Nội với sản phẩm dịch vụ đầu tiên là Go-Bike, dịch vụ gọi xe ôm công nghệ, tương tự GrabBike của Grab. Thời điểm này, Go-Viet đã nắm trong tay 35% thị phần xe ôm công nghệ ở TP Hồ Chí Minh cùng 1,5 triệu lượt tải ứng dụng tại Việt Nam. Ông N. Ma-ca-rim, Giám đốc điều hành Go-Jek tỏ ra lạc quan: "Sự đón nhận nồng nhiệt của người dân Việt Nam cho thấy nhu cầu về một sản phẩm dịch vụ an toàn, tin cậy hơn cũng như đa dạng lựa chọn. Tôi tin rằng cạnh tranh sẽ tạo nên sự bền vững và cân bằng cũng như mang lại lợi ích cho khách hàng". Còn Giám đốc điều hành Go-Viet Nguyễn Vũ Ðức thì khẳng định, Go-Viet sẽ ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển hệ sinh thái công nghệ nhằm phục vụ đời sống hằng ngày của người tiêu dùng. Go-Viet có lợi thế từ đội ngũ quản lý người Việt Nam, am hiểu thị trường và văn hóa bản địa, cùng sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ của công ty mẹ Go-Jek. Trong vòng bốn tháng tới, Go-Viet sẽ triển khai bốn dịch vụ lõi trong hệ sinh thái như Go-Car (đặt xe ô-tô), Go-Food (đặt đồ ăn), Go-Pay (ví điện tử). Ngoài ra, tiếp tục triển khai những dịch vụ khác trong hệ sinh thái dựa trên nhu cầu của thị trường như đi chợ hộ, giúp việc tại nhà, làm đẹp tại nhà,… Như vậy, Go-Viet sẽ trực tiếp đối đầu với Grab tại Việt Nam khi tung ra các dịch vụ tương tự nhau. Ði kèm lễ ra mắt tại Hà Nội, Go-Viet khuyến mãi các chuyến xe dưới 6 km từ sáu quận trung tâm với giá cước chỉ 1.000 đồng. Chương trình này thậm chí còn mạnh tay hơn đợt khuyến mãi đồng giá 5.000 đồng trong lần ra mắt tại TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra dường như không theo những gì Go-Viet mong đợi. Phố phường Hà Nội vẫn dày đặc những bóng áo xanh của dịch vụ Grab, còn bóng áo đỏ của dịch vụ Go-Viet chỉ thấy loáng thoáng. Ðặc thù của các ứng dụng gọi xe công nghệ là chỉ có đối tác và khách hàng "ảo", không có ai trung thành. Không chỉ khách hàng, ngay cả đối tác cũng mong muốn có thêm các ứng dụng đối trọng để không bị chèn ép. Một lái xe đối tác của Grab chỉ phút chốc đã có thể biến thành đối tác của Go-Viet hay Aber, FastGo,… Nếu tỷ lệ đặt xe thấp, họ sẵn sàng "khóa" ứng dụng này và bật ứng dụng khác. Tương tự, một khách hàng cũng thường sử dụng cùng lúc vài ba ứng dụng gọi xe, khi có nhu cầu, cứ ứng dụng nào rẻ và thuận tiện là đặt. Nếu tính thị phần theo lượt tải ứng dụng, khách hàng của Go-Viet cũng có thể là khách hàng của Grab, hay Aber,...

Chỗ đứng nào cho ta-xi truyền thống?

Từ câu chuyện cạnh tranh về giá cước, việc chiếm lĩnh thị phần của mỗi ứng dụng chỉ mang tính chất tạm thời, ứng dụng nào mạnh tay giảm giá, lập tức sẽ nâng được thị phần, hết khuyến mãi, thị phần lại tụt xuống. Có thể thấy rõ điều này ở ứng dụng Grab, sau khi Uber bỏ cuộc chơi, còn lại một mình một thị trường, Grab bắt đầu tính đến việc giảm chiết khấu cho lái xe, hạn chế khuyến mãi cho khách hàng, tăng cước phí thu hồi lợi nhuận, lập tức lượt đặt xe giảm đi rõ rệt, các lái xe bị giảm thu nhập cũng có các động thái phản ứng. Ðồng thời, một loạt các đối thủ khác sẽ lăm le nhảy vào giành giật thị phần. Nhà nước có nhiệm vụ điều tiết thị trường để bảo đảm tính cạnh tranh, không bị thao túng bởi bất kỳ nhóm lợi ích nào. Hành động "tuýt còi" Grab do lình xình trong quá trình thâu tóm Uber của Bộ Công thương là một thí dụ.

Trong cuộc cạnh tranh, Grab đã căng mình tham chiến ở quá nhiều dịch vụ, từ xe ôm, ta-xi, đến thanh toán, giao thức ăn,… Từ đầu tháng 10 vừa qua, Grab đổi phương thức thanh toán qua ví điện tử Moca, không hỗ trợ nạp tiền vào ví điện tử thông qua dịch vụ ngân hàng trực tuyến và thẻ tín dụng khiến nhiều khách hàng bất ngờ và cảm thấy bức xúc. Chị Nguyễn Minh Phương, một cán bộ ngành giao thông chia sẻ: Tôi là khách hàng hạng bạch kim của Grab, khi ứng dụng đổi phương thức ví điện tử, việc nạp tiền trở nên rất khó khăn. Số tiền trong tài khoản cũ còn khá lớn, tôi phải đổi sang các chuyến xe hoặc thẻ điện thoại, nhưng khi nạp tiền đều không khả dụng, báo hại bị nhà mạng khóa sim, lại phải ra điểm giao dịch để kích hoạt lại. Cùng với đó, Grab tiếp tục tăng giá dịch vụ, giảm chiết khấu lái xe, khiến một loạt khách hàng và đối tác lái xe có xu hướng chuyển sang ứng dụng Go-Viet. Nhiều người ủng hộ sự góp mặt của Go-Viet trên thị trường, tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, Go-Viet đã có biểu hiện chững lại, do nền tảng công nghệ chưa nổi trội, hệ thống định vị và xác định hành trình của lái xe đôi khi thiếu chính xác và hiện tại mới chỉ nhắm đến đối tượng xe ôm.

Vậy trong tương lai dài, ai mới là kẻ thắng cuộc? Theo đánh giá của một số chuyên gia, sau "cú sốc" bị vượt mặt, các hãng ta-xi truyền thống bắt đầu tự lột xác, đổi mới để giành lại thị phần. Xét cho cùng, không thể có ứng dụng nào chấp nhận bù lỗ mãi, sẽ đến lúc phải dừng lại để tính lợi nhuận. Nếu giá ta-xi công nghệ không rẻ hơn hẳn ta-xi truyền thống, rất có thể ta-xi truyền thống sẽ lấy lại được vị thế. Ðiểm mạnh của ta-xi truyền thống là kiểm soát được chất lượng, giá cả tương đối ổn định, khả năng tập trung phục vụ cao ở các điểm công cộng lớn, có hình ảnh thương hiệu, đội ngũ lái xe của mình và cũng bắt đầu áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ. Một số hãng ta-xi truyền thống đã quyết liệt tái cấu trúc, sắp xếp lại các công ty con, tiết giảm chi phí quản lý và đầu tư xây dựng ứng dụng ta-xi, xe ôm công nghệ cho riêng mình. Thị trường dồi dào tiềm năng như Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để ươm trồng sự đổi mới, sáng tạo, chia đều cơ hội cho các loại hình vận tải phát triển. Việc cạnh tranh sòng phẳng sẽ giúp tự điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Và người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi, được di chuyển với chi phí thấp.

Mới đây, Grab và đối tác Vietcombank đã triển khai các dịch vụ hỗ trợ phương thức thanh toán qua ví điện tử Moca, nhằm tạo thuận lợi cho người dùng tại Việt Nam, đồng thời, tăng tính bảo mật thông tin và phát hiện gian lận. Người dùng sẽ có hai lựa chọn để thanh toán không cần tiền mặt bằng cách kích hoạt ví Moca qua liên kết thẻ ATM/Thẻ ghi nợ quốc tế của Vietcombank, hoặc thanh toán trực tiếp cho mỗi chuyến đi của Grab bằng các thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ quốc tế của Vietcombank trên ứng dụng Grab.