Phải tính toán chặt chẽ hơn khi vay nợ, phải đồng bộ quản lý nợ với quản lý ngân sách và đầu tư công để có thể quản trị rủi ro của nợ công.
Dù nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng chậm lại và hiện tỷ lệ nợ công của Việt Nam so với GDP đã giảm xuống còn 61,4%, nhưng các chỉ số nợ vẫn còn cao, áp lực nợ công vẫn rất lớn, nhiều rủi ro tiềm ẩn. Trong khi đó, Việt Nam đã không còn nguồn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB) và từ đầu năm 2019 cũng không được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mà sẽ chỉ còn các khoản vay với điều kiện thị trường. Nhưng Việt Nam vẫn cần tiếp tục vay nợ để đầu tư, để bù đắp thâm hụt ngân sách. Điều đó cho thấy áp lực quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công ngày càng lớn hơn nhiều.
Theo ông Lê Văn Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chính khiến nợ công tăng cao và tốc độ tăng nhanh trong thời gian qua chủ yếu do áp lực vốn cho đầu tư phát triển nên phải duy trì mức bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) ở mức cao. Bên cạnh đó, phân bổ vố đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao, đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay được Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả thay.
“Việc xây dựng kế hoạch huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay chưa gắn kết chặt chẽ trong mối quan hệ với khả năng trả nợ; chưa gắn kết giữa xác định mức vay nợ phù hợp với đảm bảo an toàn nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh nợ công, nợ Chính phủ đang có xu hướng tiến sát ngưỡng giới hạn chỉ số nợ đã được phê duyệt”, ông Cương chỉ rõ.
Ông Cương cũng cho rằng, vai trò quản lý nợ ở các địa phương còn yếu. Việc xây dựng kế hoạch huy động, triển khai các công cụ như chiến lược nợ dài hạn, chương trình quản lý nợ trung hạn; kế hoạch vay, trả nợ hàng năm chưa gắn kết chặt chẽ với kế hoạch tài chính-ngân sách trung hạn và kế hoạch đầu tư công trung hạn; chưa có sự phân định rõ ràng và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa quản lý nợ công, quản lý ngân sách và quản lý đầu tư công. Ngoài ra, chưa có quy định phù hợp về thẩm quyền, công cụ kiểm soát và phòng ngừa rủi ro nợ.
Còn theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, dù hệ thống các công cụ quản lý nợ công đã được ban hành, nhưng việc huy động vốn vay đôi khi thoát ly chiến lược, kế hoạch đã được phê duyệt... nên hiệu lực thi hành thấp, bị động.
“Luật Quản lý nợ công chạm tới 24 luật khác. Nếu nhìn từ luật đến các nghị định và thông tư hướng dẫn thì giống như rừng nhiệt đới, có nhiều tầng khác nhau nên rất phức tạp”, ông Long cho biết.
Bên cạnh đó, cơ chế hiện hành về bảo lãnh vẫn dựa nhiều vào bao cấp của nhà nước, ngân sách Nhà nước chịu rủi ro tín dụng. Đồng thời, chưa có quy định cụ thể về việc phân loại nợ, trích lập và xử lý rủi ro tín dụng nên khi có nợ xấu hoặc nợ quá hạn không có nguồn để xử lý, phải điều chỉnh cơ chế tài chính, tái cơ cấu nợ bằng cách chuyển sang đầu tư vốn nhà nước hoặc cấp phát ngân sách Nhà nước, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ.
Luật Quản lý nợ công bắt đầu có hiệu lực vào tháng 7/2018; hệ thống 7 Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công 2017 cũng đã được ban hành. Nhưng theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, “chừng đó là chưa đủ”. Bởi theo ông Sebastian, quan trọng là việc triển khai luật và những hành động cụ thể để đưa nguyên tắc trong luật trở nên thực tế. Trong đó, bao gồm các vấn đề như cải cách thể chế, tăng cường công tác phối hợp, xử lý các vấn đề phân tán trong quản lý, tổ chức để quản lý nợ công được thực hiện tổng thể.
Cần một ma trận tổng thể
Theo các chuyên gia, phải tính toán chặt chẽ hơn khi vay nợ, phải đồng bộ quản lý nợ với quản lý ngân sách và đầu tư công để có thể quản trị rủi ro của nợ công. Theo đó, Bộ Tài chính đang nỗ lực cải cách trong công tác quản lý nợ.
“Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Nhóm chuyên gia của WB xây dựng Khung cải cách về quản lý nợ công, hướng đến quản lý nợ công bảo đảm sự đồng bộ giữa quản lý nợ với quản lý ngân sách và đầu tư công, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ, các trần ngưỡng an toàn nợ; kiểm soát rủi ro đối với danh mục nợ công”, ông Trương Hùng Long cho hay.
Với mục tiêu như vậy thì Khung cải cách công tác quản lý nợ công sẽ là một ma trận tổng thể nhưng bao gồm các hoạt động rất cụ thể, có lộ trình thực hiện rõ ràng. Trong đó sẽ áp dụng các mô hình phân tích bền vững nợ, mô hình xây dựng Chương trình quản lý nợ trung hạn nhằm quản lý nợ, quản lý rủi ro một cách chủ động; cải thiện công tác huy động vốn thông qua việc đa dạng hóa các hình thức huy động vốn trong nước của Chính phủ, mở rộng, tiếp cận các hình thức huy động vốn nước ngoài, thay thế dần cho nguồn vốn ODA…
Theo kinh nghiệm của ông Rodrigo Cabral - Cán bộ tài chính cao cấp của WB, cần phải có những cải cách về quản lý nợ. Trong đó, cơ quan quản lý nợ cần phải lựa chọn cách vay cho phù hợp ở các thời điểm khác nhau; cần tính toán đánh giá mức độ, tính chất khoản vay có phù hợp với sử dụng không.
“Nợ công tới đây sẽ là ít dần ưu đãi mà vay thương mại nghĩa là tiếp cận nhiều hơn với thị trường. Vì vậy, ngay từ khâu đàm phán đã phải kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, phải nâng cao năng lực quản lý tài chính và năng lực tiếp cận thị trường và khả năng tiếp cận vốn trên thị trường quốc tế của Chính phủ”, ông Rodrigo Cabral khuyến cáo.
Ông Trương Hùng Long cho biết thêm, trước đây quyết định vay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nhưng đến nay, để có sự lựa chọn hợp lý thì phải áp dụng mô hình phân tích với gần 100 thông số đầu vào như tình hình lạm phát, tỷ giá, tình hình xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán và cấu trúc các khoản nợ trong tương lai… Bên cạnh đó là phải tính toán xem khoản vay mới nếu thêm vào thì mười năm hai mươi năm tới nợ công sẽ thế nào. Từ đó mới xác định xem khoản nào đáng vay khoản nào không nên vay.
Quan trọng là cần cân đối giữa vốn vay trong nước và vốn vay nước ngoài nhằm đạt được cơ cấu danh mục nợ công hợp lý; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kiểm soát chặt chẽ sử dụng vốn vay, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn để tạo nguồn trả nợ trong tương lai, gắn trách nhiệm sử dụng vốn vay nợ công với trách nhiệm giải trình; công khai minh bạch về nợ công.
“Cơ cấu nợ công đã có những thay đổi đáng kể, nợ nước ngoài giờ chỉ chiếm 40% trong tổng số nợ. Nhưng tỷ lệ này vẫn còn cần thay đổi nợ công cần được cơ cấu lại để giảm tiếp tỷ lệ nợ nước ngoài. Phải phát triển thị trường vốn trong nước, trong đó bắt đầu bằng việc phát triển thị trường trái phiếu chính phủ để đảm bảo có nguồn vốn huy động tin cậy, ổn định và không phụ thuộc vào nước ngoài để không bị rủi ro về tỷ giá”, ông Rodrigo Cabral nhấn mạnh./.