Sáng 25/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Cao Bằng long trọng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Cao Bằng năm 2018 với chủ đề “Cao Bằng - Cơ hội đầu tư, phát triển bền vững”.
Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê; Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Đàm Văn Eng; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, Thành phố; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ...
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các nhà đầu tư. Giai đoạn 2015 - 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 6,57%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt trên 2 tỷ 870 triệu USD; số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đều đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng bình quân đạt trên 10%/năm; thu hút được 260 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 40.720 tỷ đồng. Bộ mặt đô thị miền núi được chỉnh trang, giao thông liên huyện, liên xã được cải thiện. Chất lượng đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Năm 2018, GRDP bình quân đầu người đạt 24,9 triệu đồng, tương đương 1.092 USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 2 tỷ USD; thu ngân sách đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại hội nghị.
Khẳng định, Cao Bằng đang là một điểm đến mới, một thị trường mới, rộng mở cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm. Với những tiềm năng, thế mạnh đang có, Cao Bằng mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ, thương mại, du lịch, kết nối giao thông quốc gia và quốc tế. Chính quyền tỉnh cam kết sẽ luôn duy trì ba ổn định, gồm: ổn định về chính trị - an ninh; ổn định chính sách thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư; ổn định trong tư duy nhất quán phục vụ tốt hơn nữa doanh nghiệp và người dân.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Văn Phòng đánh giá cao việc tỉnh tổ chức các sự kiện lớn góp phần nâng cao vị thế Cao Bằng. Là tỉnh có điểm xuất phát thấp, bình quân chỉ có 33 doanh nghiệp/1.000 dân (trong khi bình quân cả nước là 72 doanh nghiệp/1.000 dân), thời gian tới tỉnh cần quan tâm đến chuỗi phát triển kinh tế vùng. VCCI cam kết sát cánh ủng hộ tỉnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, cơ hội đầu tư của Cao Bằng đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Mong muốn tỉnh tiếp tục quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp.
Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ đã có tham luận về Cao Bằng - mô hình kinh tế mậu biên kiểu mẫu. Theo đó, là tỉnh còn nhiều khó khăn về giao thông, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, cơ sở hạ tầng yếu kém, việc quảng bá thương hiệu Cao Bằng chưa được quan tâm đúng mức..., tuy nhiên, Cao Bằng có rất nhiều tiềm năng nằm ở cụm kinh tế năng động, tiệm cận vành đai kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực; tỉnh có hệ sinh thái tự nhiên, thiên nhiên sinh động, giàu bản sắc, nhiều di tích, thắng cảnh... Do đó, tỉnh cần tập trung các bước đột phá trong thực hiện quy hoạch du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng giao thông, năng lượng; khai thác tiềm năng xây dựng trở thành trung tâm sản xuất logistics trong vùng.
Với mong muốn đến Cao Bằng để tìm đất trồng rừng tạo vùng nguyên liệu lâu dài và ổn định, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Chiến Thắng cho biết, tuy hiện nay tỉnh đang khó khăn về hạ tầng giao thông nhưng trong tương lai, Cao Bằng sẽ được hỗ trợ đầu tư đường cao tốc và kể cả đường sắt, nên tỉnh nếu có chủ trương lấy kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là trồng rừng là chủ đạo sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư vào lĩnh vực này.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (PCC1) Trịnh Văn Tuấn mong muốn tỉnh chọn lọc và trao quyết định cho nhà đầu tư có đủ năng lực, xử lý nghiêm theo quy định các nhà đầu tư vi phạm; cải thiện hơn nữa thủ tục pháp lý đầu tư, rút ngắn quy trình cấp phép đầu tư; hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng. PCC1 cam kết đầu tư đúng tiến độ, vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tỉnh đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Cao Bằng năm 2018. Khẳng định, Cao Bằng có lợi thế tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đang là thị trường lớn, có tiềm năng với GDP trên 350 tỷ USD, có thể kết nối được với các tỉnh của Trung Quốc, châu Âu và các nước ASEAN. Thủ tướng thống nhất chủ trương của tỉnh trong thời gian tới là tập trung phát triển dịch vụ du lịch; phát triển sản xuất nông nghiệp chế biến gắn với ứng dụng công nghệ cao và kinh tế cửa khẩu. Trong đó, du lịch phải trở thành kinh tế mũi nhọn mang bản sắc Cao Bằng và phát huy lợi thế là Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Thủ tướng giao tỉnh phối hợp xây dựng thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam.
Về phát triển nông, lâm nghiệp chế biến ứng dụng công nghệ cao cần dựa trên 3 trụ cột là: sản xuất nông nghiệp sạch hữu cơ và an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị; liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt là nâng cấp giá trị thương hiệu sản phẩm. Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến công tác trồng rừng và chế biến gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Về phát triển kinh tế cửa khẩu, đây là ngành kinh tế có vai trò chiến lược trong phát triển sản xuất, thương mại và kết nối với thị trường tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tỉnh cần khuyến khích đầu tư vào các dịch vụ hậu cần, logistics, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nguồn nhân lực; nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, nhất là nâng cao thương hiệu hàng hóa. Thủ tướng giao các bộ, ngành tiếp tục dành sự quan tâm, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào Khu du lịch thác Bản Giốc.
Thủ tướng yêu cầu Cao Bằng cần kiến tạo môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chú trọng phát triển đồng bộ hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Trong đó, hạ tầng cứng ưu tiên đề xuất Quốc hội đầu tư xây dựng cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) trong giai đoạn này. Hạ tầng mềm cần xây dựng nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó con người là trung tâm. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ Cao Bằng xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại. Cao Bằng cần đưa thông điệp đến các nhà đầu tư trong việc thu hút, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư; cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai và tài nguyên, công khai quy hoạch sử dụng đất, đấu giá sử dụng đất rộng rãi; giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; xóa bỏ tâm lý tiêu cực là tỉnh nghèo, khó khăn; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, quản trị nhà nước...; quan tâm quy hoạch lại dân cư theo hướng tập trung nhằm tăng hiệu quả đầu tư.
Chính phủ cam kết hỗ trợ Cao Bằng kiến tạo thành công các nền móng hạ tầng bền vững, môi trường kinh doanh cạnh tranh và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh thành công. Nhà đầu tư cần thực hiện đúng cam kết, đóng góp xứng đáng cho phát triển kinh tế địa phương; chia sẻ có trách nhiệm với sinh kế người dân, không gây ô nhiễm môi trường...
Tại hội nghị, UBND tỉnh Cao Bằng đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 3.581 tỷ đồng; đồng thời cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước trao 16 Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư dự kiến trong thời gian tới khoảng gần 25.000 tỷ đồng. Có 4 ngân hàng thương mại tiếp tục cam kết tài trợ vốn tín dụng cho 7 dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, du lịch... với số tiền gần 2.000 tỷ đồng; 6 đơn vị, doanh nghiệp tham gia ủng hộ 23,67 tỷ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.