Ngày 26-11, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Bộ Công an với Công an 63 tỉnh, thành phố nhằm sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch số 19/KH-BCA-C61 của Bộ Công an về triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn.
Tại điểm cầu Thái Nguyên có Trung tá Phan Văn Bé, Phó Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, công an các huyện, thành, thị.
Trong 5 năm qua, lực lượng công an các địa phương cả nước đã làm tốt công tác điều tra cơ bản, phân loại cơ sở nguy hiểm cháy nổ cũng như đẩy mạnh tuyên truyền và xây dựng phong trào Toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, kiện toàn về tổ chức lực lượng, đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy được quan tâm...
Thống kê cho thấy, từ tháng 5-2013 đến tháng 6-2018 trên địa bàn cả nước xảy ra 15.471 vụ cháy, làm chết 449 người, bị thương 1.070 người, gây thiệt hại ước tính 9.976 tỷ đồng và gần 6.000ha rừng. Nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ cháy lớn là do sự cố hệ thống điện (chiếm 62,9%).
Lực lượng cảnh sát PCCC đã kịp thời ngăn chặn, khống chế được nhiều vụ cháy lớn và bảo vệ được lượng hàng hóa giá trị hàng trăm tỷ đồng cũng như cứu nạn và hỗ trợ thoát hiểm an toàn cho hàng nghìn người bị kẹt trong các đám cháy.
Đối với Thái Nguyên, song song với việc làm tốt tuyên truyền, tỉnh cũng đã thành lập nhiều đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở trọng điểm về PCCC. Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã triển khai Đề án Xây dựng lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ PCCC và cứu hộ cứu nạn giai đoạn 2017-2020 bước đầu có kết quả khả quan. Giai đoạn 2013-2018, trên địa bàn xảy ra 4 vụ cháy lớn, làm chết 2 người, thiệt hại tài sản trị giá trên 66 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe chia sẻ kinh nghiệm của: Công an T.P Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ, Nghệ An trong thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn trên địa bàn.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Quý Vương yêu cầu thời gian tới, các địa phương cần thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác PCCC; tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC; tăng cường công tác điều tra cơ bản, phân loại cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm về PCCC...