Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Nam Định đã rà soát, lập các đề án, kế hoạch, chương trình hành động, bước đầu thực hiện tại một số sở, ngành, địa phương có hiệu quả tích cực.
Một sở giảm 23 đầu mối
Trong số các ngành, địa phương thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở Nam Định, ngành Y tế tỉnh được đánh giá sớm hoàn thành chủ trương quan trọng này. Theo bà Bùi Thị Minh Thu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, Nam Định có 10 huyện, thành phố. Trước đây, mỗi huyện, thành phố trong tỉnh có 1 bệnh viện đa khoa (riêng huyện Nghĩa Hưng có 2 bệnh viện), 1 trung tâm y tế, 1 trung tâm dân số và kế hoạch hóa gia đình. Tổng cộng là 31 đầu mối trực thuộc sở. Từ 1/1/2018, ngoài Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu được giữ nguyên vì là bệnh viện hạng 2, còn lại các bệnh viện đa khoa (trong đó có 2 bệnh viện của huyện Nghĩa Hưng) và Trung tâm Y tế tại các huyện, thành phố đều được sáp nhập làm một, dưới tên chung là Trung tâm Y tế huyện, với hai chức năng là khám, chữa bệnh và y tế dự phòng. Qua sáp nhập giảm được tổng cộng được 10 đầu mối.
Cũng theo bà Bùi Thị Minh Thu, hiện sở đã xây dựng Đề án, trong tháng 12/2018 sẽ được UBND tỉnh phê duyệt để bắt đầu từ ngày 1/1/2019 tỉnh sẽ thực hiện sáp nhập tiếp Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình vào Trung tâm Y tế cấp huyện để trở thành Trung tâm Y tế đa chức năng, qua đó sẽ giảm thêm được 10 đầu mối. Cùng với đó, ngành Y tế Nam Định cũng đã thực hiện sáp nhập 4 Trung tâm Y tế tuyến tỉnh, hợp nhất thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật, qua đó giảm được 3 đầu mối. Như vậy, qua thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, ngành Y tế tỉnh Nam Định đã và sẽ giảm được tổng cộng 23 đầu mối trực thuộc sở, tương đương gần 50% số đầu mối trực thuộc. Đi liền với việc giảm đầu mối là giảm được số lượng cấp trưởng, cấp phó.
Theo Bác sỹ Đặng Văn Lượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy, sau 1 năm thực hiện sáp nhập, Trung tâm đã hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả sáp nhập. Theo đó, ngoài hiệu quả giảm đầu mối, các khoa hợp nhất đã được bổ trợ năng lực chuyên môn, qua đó lồng ghép thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ điều trị và dự phòng. Từ khi sáp nhập, Trung tâm đã thực hiện khám, chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT cả thứ 7 và chủ nhật. Ngoài chủ động điều động nhân lực trong toàn Trung tâm hỗ trợ nhau thực hiện hai nhiệm vụ điều trị và dự phòng, lãnh đạo Trung tâm còn có thể chủ động điều động các bác sỹ, y sỹ từ Trung tâm Y tế huyện tăng cường cho các trạm Y tế tuyến xã khi cần.
Giảm cán bộ lãnh đạo, quản lý, tăng cường lực lượng giáo viên
Liên quan tới nhiệm vụ sắp xếp, giảm các đầu mối của ngành giáo dục, ông Vũ Văn Rung, Giám đốc sở Nội vụ Nam Định cho biết tỉnh sẽ thực hiện sáp nhập những trường học có quy mô dưới 10 lớp học. Qua rà soát, toàn tỉnh có 149 mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc diện này. Hướng sắp xếp của tỉnh là mỗi xã chỉ có một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường Trung học cơ sở. Xa hơn là sẽ sáp nhập, hình thành các trường liên cấp, qua đó nhằm giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảm số nhân viên phục vụ và tăng cường cho đội ngũ giáo viên. “Sau khi sắp xếp lại, Hiệu trưởng thì không nói nhưng Hiệu phó thì vẫn phải vừa tham gia quản lý vừa phải đứng lớp. Nhân viên kế toán, nhân viên y tế học đường ở trường mầm non nào còn thiếu sẽ được tăng cường từ các trường trung học cơ sở, tiểu học; thậm chí vấn đề y tế học đường sẽ phải giao cho trạm y tế cấp xã đảm nhiệm...”, ông Vũ Văn Rung cho biết.
Qua thực hiện sáp nhập, đến nay, huyện Nam Trực-một trong 10 huyện, thành phố của tỉnh đã giảm được từ 31 trường Trung học cơ sở xuống còn 22 trường.
Bàn để thực hiện, không bàn ngang, bàn lùi
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Khắc Xung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vụ Bản về quyết tâm của huyện trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị sự nghiệp ở huyện. Theo ông Nguyễn Khắc Xung, thực hiện chủ trương trên, huyện đã quán triệt, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện. Kết quả, trong năm 2018, huyện đã tiến hành sáp nhập một số cơ quan như: Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện về Ban Tuyên giáo Huyện ủy; hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy và phòng Nội vụ huyện; hợp nhất Văn phòng Huyện ủy và Văn phòng HĐND, UBND huyện.
Ở khối các đơn vị sự nghiệp công lập, huyện đã thực hiện sáp nhập Trung tâm y tế huyện và Bệnh viện Đa khoa huyện thành Trung tâm Y tế huyện; sáp nhập Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên Liên Minh thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện việc sáp nhập Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và Thanh tra huyện; thực hiện chủ trương Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện; hợp nhất Đài Phát thanh huyện về Trung tâm Văn hóa huyện, thành Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Thông tin; chuyển Trung tâm phát triển Cụm Công nghiệp huyện thành đơn vị sự nghiệp tự chủ kinh phí chi thường xuyên; xây dựng đề án sáp nhập trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn các xã, thị trấn đối với các địa phương có từ 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường THCS công lập trở lên, đảm bảo mỗi địa phương chỉ có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS; xây dựng đề án sáp nhập trường tiểu học và THCS đối với những trường có dưới 10 lớp theo hướng trường liên cấp...
“Sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, đơn vị là việc khó vì liên quan đến yếu tố con người, liên quan đến tổ chức, bộ máy. Vì vậy, huyện xác định quá trình thực hiện phải thận trọng, công khai, minh bạch, đồng thuận cao, căn cứ tình hình thực tế, tính chất công việc và năng lực, sở trường công tác của cán bộ, kết hợp làm tốt công tác tư tưởng. Đến nay, sau sáp nhập, hoạt động của các đơn vị liên quan và cả bộ máy ở huyện Vụ Bản vẫn rất chôi chảy. Điều đó cho thấy chủ trương sắp xếp, tinh gọn là rất trúng, rất đúng”, ông Nguyễn Khắc Xung nhìn nhận./.