Ngày 17-11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chủ trì Lễ công bố vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM) type O và chuyển giao giống vi-rút LMLM type A để sản xuất vắc- xin.
Theo Bộ NN và PTNT, sau nhiều năm nghiên cứu và trải qua quá trình thẩm định, lần đầu Việt Nam đã sản xuất thành công vắc-xin LMLM AVAC-V6 FMD Emulsion type O, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, Bộ trưởng NN và PTNT cũng đã ký Quyết định số 4167/QĐ-BNN-TY về việc công nhận giống vi-rút LMLM type A “RAHO6/FMD/A-379” của Chi cục Thú y vùng VI dùng để sản xuất vắc- xin.
Thành công này được coi là bước ngoặt của ngành thú y Việt Nam trong quá trình làm chủ công nghệ để sản xuất các loại vắc-xin, kể cả vắc-xin phòng bệnh nguy hiểm như bệnh LMLM. Với việc chủ động sản xuất vắc-xin LMLM, Việt Nam sẽ không còn bị động về chủng loại, số lượng như tình trạng xảy ra trong thời gian qua; hoàn toàn chủ động về việc lựa chọn chủng loại vi-rút LMLM phù hợp, có tính tương đồng cao nhất về kháng nguyên so với các chủng vi-rút LMLM lưu hành tại Việt Nam; bước đầu có thể giảm giá thành vắc-xin khoảng 20%, giúp người chăn nuôi và ngân sách nhà nước tiết kiệm hàng chục triệu USD mỗi năm, góp phần khống chế, tiến tới loại trừ bệnh LMLM ở Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bệnh LMLM là bệnh quan trọng nhất cho lợn và các loại gia súc, bởi đây là loại bệnh rất nguy hiểm, lây lan rất nhanh và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, việc Việt Nam lần đầu sản xuất được chủng vắc-xin LMLM type O có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đồng thời biểu dương Chi cục Thú y vùng VI trong việc nghiên cứu đưa ra những sản phẩm vắc-xin mới liên quan đến bệnh LMLM, để từ nền tảng này, Việt Nam có thể tự chủ về vắc-xin, qua đó tiếp tục nghiên cứu, chọn lựa, phân lập các chủng vi-rút khác trên gia súc, gia cầm để phục vụ việc sản xuất vắc-xin phòng, chống dịch bệnh trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Thú y phối hợp Bộ NN và PTNT xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; cùng với các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch triển khai loại vắc-xin LMLM một cách bài bản và hiệu quả; tiếp tục nâng cao chất lượng, hạ giá thành để khi sử dụng sản phẩm trong sản xuất chăn nuôi sẽ thuận tiện nhất...; góp phần thúc đẩy sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam giành được thị trường xuất khẩu bền vững trong thời gian tới.