Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc trong tình hình mới

14:50, 22/02/2019

Ngày 22-2, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Các đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu Thái Nguyên, có các đồng chí: Phạm Hoàng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí là lãnh đạo các đơn vị thành viên MTTQ; các ban của Ủy ban MTTQ tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố và thị xã.

Theo báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Sau 5 năm, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp hoạt động; khắc phục sự trùng lặp về nội dung, thời gian, địa bàn giám sát và từng bước đi vào nền nếp. Nhiều văn bản kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội ở một số địa phương có chất lượng tốt, được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; đồng thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. 

Trong những năm tiếp theo, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục rà soát những quy định còn bất cập trong các quy định của Đảng, Nhà nước để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ trong tình hình mới; tăng cường công tác tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp, cách làm hiệu quả; chủ động xây dựng và tổ chức kế hoạch giám sát, phản biện xã hội; tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh: Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành các quyết định trên, tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng vào cuộc. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã cụ thể hoá nội dung các quy chế, quy định vào quy chế làm việc; tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri và giải đáp trực tiếp ý kiến, kiến nghị của cử tri... Qua đó giúp chính quyền các cấp của tỉnh kịp thời tiếp thu, khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của cả nước.

Những năm tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và đoàn thể chính trị các cấp; phát huy dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội; tăng cường tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại, gặp gỡ theo chuyên đề giữa người đứng đầu chính quyền các cấp với các tầng lớp nhân dân.