Diễn biến dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương

08:10, 24/03/2019

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại phường Tân Dân, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trong đêm 22, rạng sáng 23-3, toàn bộ đàn lợn gồm 136 con ở một trang trại đã được tiêu hủy.

Trước đó, sáng 21-3, tại trang trại gia đình ông Phạm Đức Biểu ở khu dân cư Giang Thượng, phường Tân Dân xuất hiện hai con lợn chết và 15 con có biểu hiện sốt, bỏ ăn không rõ nguyên nhân. Chiều cùng ngày, các đơn vị chức năng và gia đình đã tiêu hủy hai con lợn chết và phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ trang trại. Tối cùng ngày, tại trang trại của ông Biểu tiếp tục chết thêm ba con lợn.

Ngày 22-3, Chi cục Thú y tỉnh lấy mẫu máu gửi xét nghiệm và xác định lợn chết và ốm ở trang trại dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Ngay trong đêm 22, rạng sáng 23-3, toàn bộ đàn lợn gồm 136 con của gia đình ông Biểu đã được các cơ quan chuyên môn tổ chức tiêu hủy và tổ chức tiêu độc, khử trùng toàn bộ các trang trại chăn nuôi ở khu vực lân cận theo quy định.

Tính đến ngày 23-3, dịch tả lợn châu Phi đã quét qua tám huyện, thành phố trong tổng số 12 huyện, thành phố ở tỉnh Hải Dương với số lợn chết và nhiễm bệnh khoảng 380 con; tổng số lợn đã tiêu hủy gần 1.900 con với tổng khối lượng hơn 100 tấn.

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Thú y tỉnh Hải Dương cho biết, tình hình dịch tả lợn châu Phi ở Hải Dương diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan diện rộng rất cao. Để ngăn ngừa dịch bệnh, lây lan, tỉnh đã thành lập 59 chốt kiểm dịch, sử dụng hơn sáu nghìn lít hóa chất, gần 40 nghìn kg vôi bột để phòng, chống dịch, khống chế bao vây các ổ dịch; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động giết, mổ, mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn.

Chốt kiểm soát dịch tại các tuyến đường vào huyện Sìn Hồ (Lai Châu).

* Tại tỉnh Lai Châu, có thêm hai xã xuất hiện ổ dịch lợn châu Phi là Căn Co và Noong Hẻo, đều thuộc khu vực vùng thấp hyện Sìn Hồ.

Sau khi có hai hộ gia đình ở hai xã trên xuất hiện tình trạng lợn chết bất thường, cơ quan chức năng huyện Sìn Hồ đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và xác định cả hai mẫu dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Địa phương cũng đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn của còn lại tại các ổ dịch. Đồng thời, tiến hành tiêu độc khử trùng quanh khu chăn nuôi của người dân.

Hiện nay, huyện Sìn Hồ đã thành lập ba chốt chặn kiểm soát dịch tại các tuyến đường vào huyện, phun hóa chất khử trùng tất cả các phương tiện ra vào huyện và nghiêm cấm việc vận chuyển lợn, các sản phẩm của hợn ra vào địa bàn. Riêng tại hai xã Căn Co và Noong Hẻo, chính quyền huyện Sìn Hồ cũng thành lập các tổ công tác di động về các bản xuất hiện dịch, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh Lai Châu xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Trước đó, dịch xuất hiện tại bản Đông Phong, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường.

Y tế dự phòng phun hóa chất khử trùng đường làng, ngõ xóm, góp phần xử lý triệt để mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

* Sáng 23-3, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh mới phát sinh thêm ổ dịch lợn châu Phi ở huyện miền núi Thường Xuân và huyện Đông Sơn.

Kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm của lợn cho biết, lợn nuôi tại hộ gia đình ông Lang Văn Chiến, ở bản Chiềng Mót, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân; lợn nuôi trong hộ ông Lê Như Muôn, thôn Hòa Bình, xã Đông Ninh và hộ bà Lê Thị Hoàn, ở thôn 1, xã Đông Anh, huyện huyện Đông Sơn dương tính với vi-rút dịch tả lợn châu Phi.

Như vậy, dịch bệnh không chỉ phát sinh ở vùng trọng điểm chăn nuôi mà chăn nuôi nông hộ ở xã biên giới thuộc tỉnh Thanh Hóa, tiếp giáp với nước bạn Lào đã xuất hiện dịch bệnh trên lợn.

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; rà soát, dự phòng sẵn các phương án tiêu hủy, nơi chôn, đốt lợn, sản phẩm lợn nếu phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt trong các trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn.