Sau hơn 4 tháng kể từ khi Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hoá đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa cung cấp dịch vụ có hiệu lực, hiện hầu hết các địa phương đều đã có doanh nghiệp sử dụng HĐĐT, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Qua khảo sát, với nhóm doanh nghiệp đã sử dụng hoá đơn, đa số đều ghi nhận những tiện ích ưu việt của HĐĐT đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Đơn cử như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có số lượng hóa đơn trung bình sử dụng mỗi tháng là 23,6 triệu, tương đương khoảng 283 triệu hóa đơn/năm. Chi phí hóa đơn tự in (chưa tính phần quản lý, lưu kho) khoảng 420 đồng/hóa đơn. Trong khi đó, chi phí HĐĐT (đã tính chi phí quản lý, lưu trữ) chỉ khoảng 292 đồng/hóa đơn. Như vậy, với việc sử dụng HĐĐT, EVN tiết kiệm được gần 130 đồng/hóa đơn so với hóa đơn giấy và giúp EVN tiết kiệm được hơn 3 tỷ đồng/tháng, khoảng 36 tỷ đồng/năm.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính, thực hiện HĐĐT là một trong những vấn đề mang tính chủ chốt trong quá trình hiện đại hoá công tác thu thuế nói riêng cũng như quản lý nền kinh tế nói chung. Trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp ứng dụng HĐĐT sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, từ đó giảm thiểu được thời gian, chi phí, nhân công và đặc biệt là công tác chuẩn bị hồ sơ sổ sách giấy tờ.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất và kinh tế là xu thế của thời đại. Sử dụng HĐĐT sẽ góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch và công tác giám sát được thực hiện một cách rõ ràng hơn. Đây là yêu cầu của quản lý hiện đại”, PGS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Riêng đối với cơ quan Thuế, việc sử dụng HĐĐT có thể làm minh bạch hơn công tác hạch toán kế toán, nhờ đó, sự quản lý giám sát của cơ quan quản lý cũng trở nên thuận tiện. Bởi lẽ, khi kết nối thông tin, tất cả hoá đơn của doanh nghiệp, thậm chí từng hoá đơn nhỏ trong từng ngày sẽ hiển thị trên kết quả sản xuất kinh doanh và trên sổ sách kế toán một cách rõ ràng nhất. Điều này giúp cơ quan quản lý nói chung có thể nắm một cách chắc chắn nhất, kiểm tra giám sát một cách thường xuyên nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế. Đối với cơ quan thuế nói riêng, khi các khoản thu chi rõ ràng công khai minh bạch, việc phải tiếp xúc giữa cán bộ thuế với người nộp thuế giảm đi, kéo theo đó là hạn chế tối đa những tiêu cực không đáng có xuất hiện trong thời gian qua.
“HĐĐT được kì vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thanh toán điện tử và triển khai các hình thức giao dịch mua bán thông minh không dùng tiền mặt mà Chính phủ đang hướng tới. Tuy nhiên, điều quan trọng bây giờ là phải triển khai khẩn trương, đúng quy định và cố gắng đi những bước xa hơn để đi tắt đón đầu so với sự phát triển hiện nay của thế giới”, PGS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Vẫn còn tình trạng né tránh HĐĐT
Việc áp dụng HĐĐT có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế nói chung và quản lý thuế nói riêng. Song, thực tế cho thấy, khi thông tin về việc áp dụng HĐĐT được tuyên truyền rộng rãi, không giống như các doanh nghiệp, phần đông hộ kinh doanh thực sự tỏ ra hoang mang, e ngại bởi lo sợ HĐĐT sẽ phức tạp, mất thời gian, chi phí.
Tuy nhiên, PGS. Thịnh cho rằng, chi phí cơ sở hiện nay đã rất thấp, kết nối mạng cũng rất đơn giản. Chi phí duy tu bảo dưỡng cũng không đáng kể. Bên cạnh đó, hiện nay các ứng dụng kế toán cũng khá đơn giản, quá trình đào tạo một nhân viên kế toán phù hợp với quy mô kinh doanh nhỏ cũng không mất nhiều thời gian và chi phí. Với HĐĐT, công việc của kế toán sẽ đơn giản hơn trước rất nhiều.
“Tôi cho rằng những doanh nghiệp kêu khó có thể là những doanh nghiệp siêu nhỏ, quy mô chỉ vài nhân viên ngại thay đổi, ngại chuyển động và “lớn lên”. Mặt khác, cũng sẽ có một số doanh nghiệp hiện nay đang e ngại việc công khai minh bạch các hoạt động sản xuất kinh doanh nên né tránh HĐĐT”, PGS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cũng cho rằng, việc áp dụng HĐĐT mang lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp nhưng cũng là sức ép đối với những doanh nghiệp không minh bạch.
“Chắc chắn các doanh nghiệp không minh bạch sẽ không thích HĐĐT và tìm cách chậm triển khai. Đây là một trong những thách thức không nhỏ khi triển khai HĐĐT trong cả nước”, ông Phụng cho hay.
Tổng cục Thuế khuyến nghị các hộ kinh doanh không nên e ngại áp dụng HĐĐT. Theo quy định, hộ kinh doanh có thể áp dụng 2 loại HĐĐT. Loại thứ nhất là những hộ lớn có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, họ tự khởi tạo HĐĐT (HĐĐT thông thường). Nhóm khác là các hộ nhỏ, không có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhưng vẫn có thể sử dụng HĐĐT bằng cách đến cơ quan thuế để nhờ cơ quan thuế khởi tạo HĐĐT cấp cho hộ kinh doanh (HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế).
Theo bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế Thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế, Nghị định 119 tập trung vào nhóm hộ lớn, chiếm khoảng 7 - 10% tổng số hộ kinh doanh đang hoạt động hiện nay (khoảng 1,7 triệu hộ). Nhóm hộ lớn này bắt buộc phải sử dụng HĐĐT, sử dụng sổ sách kế toán, nộp thuế theo kê khai và không áp dụng thuế khoán như các hộ kinh doanh nhỏ. Với quy định như vậy, các hộ lớn đã được đối xử như doanh nghiệp. Còn các hộ nhỏ hơn không nên quá lo lắng.
Ngoài ra, để thống nhất đồng bộ việc này, Bộ Tài chính đang có kế hoạch sửa đổi chế độ kế toán đối với hộ kinh doanh cũng như sửa đổi chế độ kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, qua đó thúc đẩy hộ lớn chuyển thành doanh nghiệp chứ không để các doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh để trốn thuế./.