Nếu không có giải pháp kịp thời bảo đảm nguồn khí đầu vào cho Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm (CCN KĐĐ) Cà Mau thì tới đây, mỗi năm Cà Mau sẽ mất đi nguồn thu ngân sách hơn 800 tỷ đồng.
Thấy rõ nguy cơ bất lợi sắp xảy ra cho nên mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn khẩn (số 2296-UBND-KT) “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương có giải pháo hỗ trợ, bảo đảm nguồn cung khí cho CCN KĐĐ Cà Mau.
Hệ lụy dây truyền từ việc thiếu khí
CCN KĐĐ Cà Mau xây dựng tại xã Khánh An (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai tại quyết định số 776/QĐ-TTg, ngày 26-6-2001, với diện tích quy hoạch hơn 200 ha, tổng mức đầu tư hơn hai tỷ USD. CCN bao gồm: công trình đường ống dẫn khí PM3; công trình Nhà máy điện Cà Mau; công trình Nhà máy đạm Cà Mau và hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình phụ trợ. Đây là một trong những công trình, dự án trọng điểm quốc gia, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên được khai thác từ vùng biển chồng lấn giữa Malaysia và Việt Nam để làm nhiên liệu cho Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 phát điện, đồng thời dùng làm nguyên liệu cho Nhà máy đạm Cà Mau để chế biến các sản phẩm phân bón, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của đất nước nhằm bảo đảm ổn định nguồn phân bón cho phát triển nông nghiệp và phát triển kinh tế khu vực Tây Nam Bộ.
Từ năm 2007 đến nay, nguồn khí cung cấp cho cụm công nghiệp nêu trên bao gồm lượng khí theo quyền nhận của Petrovietnam và lượng khí nhận bù từ Petronas. Dự kiến từ cuối tháng 9-2019, sau khi phía Việt Nam lấy hết lượng khí nhận bù từ Petronas, CCN KĐĐ Cà Mau chỉ còn được cung cấp lượng khí theo quyền nhận của phía Việt Nam. Vì vậy, nếu không có nguồn khí bổ sung từ Malaysia thì nguồn cung khí cho khu vực Cà Mau sẽ sụt giảm khoảng hơn một tỷ m3/năm so với nhu cầu tối đa của khu vực này là 2,26 tỷ m3/năm. Theo phân tích của một số chuyên gia, trong mọi trường hợp, với khoảng một tỷ m3/năm không đủ để vận hành Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2, dẫn đến thiếu điện khu vực miền nam. Đồng thời, Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy xử lý khí Cà Mau (GPP) khi ấy phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, khả năng dẫn đến thua lỗ. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Nhà máy Đạm Cà Mau đang trong thời kỳ khấu hao khoảng 1.200 tỷ đồng/năm và phải trả nợ gốc cộng lãi vay cho Chính phủ, do Bộ Tài chính bảo lãnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, việc thiếu lượng khí đầu vào không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của toàn bộ CCN KĐĐ, không bảo đảm an ninh năng lượng mà còn tác động bất lợi đến môi trường đầu tư tại tỉnh. Bởi hiện nay, tỉnh Cà Mau đang tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Khánh An, nằm giáp ranh với CCN KĐĐ. Trong đó, có ngành nghề công nghiệp hóa lỏng khí tự nhiên, công nghiệp sau khí và có một số nhà đầu tư quan tâm đã đến tìm hiểu, khảo sát và đề xuất thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện khí tại Khánh An.
Bên cạnh việc giải quyết việc ổn định cho khoảng 1.500 trong và ngoài tỉnh thì mỗi năm, CCN KĐĐ Cà Mau đóng góp ngân sách từ 1.300-1.800 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng nguồn thu ngân sách của tỉnh Cà Mau.
Đề xuất gỡ khó
Để bảo đảm nguồn cung khí đáp ứng nhu cầu CCN KĐĐ Cà Mau và một số dự án đầu tư khác, góp phần bảo đảm nguồn thu cho ngân sách tỉnh và tạo lợi thế cạnh tranh cho Cà Mau trong việc thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp sau khí, tỉnh Cà Mau kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương quan tâm tìm kiếm các giải pháp bổ sung nguồn khí ổn định và lâu dài để phát triển tổ hợp hóa dầu tại CCN KĐĐ Cà Mau.
Theo báo cáo từ Công ty CP phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) gửi UBND tỉnh, trong bối cảnh nguồn cung khí khai thác trong nước không đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ tại CCN KĐĐ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xem xét đến các giải pháp như: phát triển các mỏ nhỏ, cận biên tại khu vực Tây Nam Bộ, phát triển khí Lô B, nhập khẩu khí LNG và nhập khẩu khí từ Malaysia qua hạ tầng đường ống dẫn khí hiện hữu. Tuy nhiên, các nguồn cung khí tại các mỏ nhỏ khu vực Tây Nam Bộ, Lô B và nhập khẩu LNG đều có tiến độ cung cấp sau thời điểm cân bằng khí như nêu ở phần trên từ 2-3 năm và khí Lô B chưa vào kịp. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu hụt nguồn khí tại khu vực Cà Mau là phương án mua khí của Petronas (Malaysia) thông qua hạ tầng vận chuyển hiện hữu. “Phương án mua khí của Malaysia khả thi, bởi sẽ giải quyết ngay tình hình thiếu hụt khí, và cũng không phải bỏ thêm tiền đầu tư hạ tầng vì thông qua hạ tầng vận chuyển hiện hữu”, ông Văn Tiến Thanh, đại diện PVCFC, phân tích.
Trong thời gian qua, nhờ sự ủng hộ tích cực từ Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư,... CCN KĐĐ Cà Mau đã vận hành an toàn, ổn định, mang lại hiệu quả to lớn và có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, xã hội cho cả khu vực Tây Nam Bộ, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và góp phần ổn định an sinh xã hội. Để phát huy hơn nữa các điều kiện và lợi thế sẵn có tại CCN KĐĐ, ngoái các giải pháp bổ sung nguồn khí kịp thời, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Công thương và các đơn vị liên quan nhanh chóng xem xét thông qua nguyên tắc phân bổ nguồn và giá khí phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên và hiệu quả tổng thể của CCN KĐĐ Cà Mau.
Về lâu dài, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương xem xét sớm đưa vào khai thác mỏ khí Lô B Ô Môn và đưa đường ống dẫn khí Lô B Ô Môn về Khu công nghiệp KĐĐ Cà Mau (Khu công nghiệp KĐĐ Cà Mau đã có đủ điều kiện về diện tích đất, hạ tầng phục vụ tiêu thụ nguồn khí Lô B Ô Môn) để tăng nguồn khí, bảo đảm hoạt động của cả CCN KĐĐ và Khu công nghiệp Khánh An, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và gia tăng sản lượng điện cho quốc gia.
"Một khi nguồn khí thiếu hụt như dự báo mà không có giải pháp bổ sung kịp thời sẽ kéo theo cả một hệ lụy di truyền, làm trì trệ hoạt động sản xuất, làm giảm gần 55% nguồn thu ngân sách của tỉnh từ CCN KĐĐ, tương đuơng khoảng 840 tỷ đồng mỗi năm" - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải.