Tổ chức Y tế Thế giới đã lựa chọn bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là chủ đề của Ngày Sức khỏe thế giới 7/4 năm nay, nhằm một lần nữa tăng cường động lực toàn cầu hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho mọi người và tăng cường an ninh con người.
Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân luôn là mục tiêu số một của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cũng là một trong những Mục tiêu phát triển bền vững được cộng đồng quốc tế cam kết thực hiện vào năm 2030 để hướng tới tầm nhìn chung về cuộc sống khỏe mạnh cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu người trên thế giới đang không được tiếp cận y tế, hàng triệu người khác đang phải lựa chọn giữa chăm sóc y tế và những chi tiêu hàng ngày như ăn mặc hay nhà cửa. WHO đã lựa chọn bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là chủ đề của Ngày Sức khỏe thế giới 7/4 năm nay, nhằm một lần nữa tăng cường động lực toàn cầu hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho mọi người và tăng cường an ninh con người.
Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là tất cả các cá nhân và cộng đồng đều nhận được các dịch vụ y tế cần thiết mà không gặp khó khăn về tài chính, trong đó bao gồm đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu và có chất lượng. Với chủ đề này, WHO muốn phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng việc mọi người tiếp cận được với các dịch vụ y tế bất cứ khi nào và ở đâu mà họ cần, mà không phải đối mặt với khó khăn về tài chính, cũng như được hưởng tiêu chuẩn tốt nhất về sức khỏe là một trong những quyền cơ bản của mỗi con người.
Theo báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) và WHO đồng thực hiện công bố tại Diễn đàn bao phủ sức khỏe toàn dân Tokyo tháng 12/2017, mặc dù thế kỷ 21 đã chứng kiến sự gia tăng số lượng người có thể tiếp cận được một số dịch vụ chăm sóc sức khoẻ then chốt như tiêm chủng và kế hoạch hóa gia đình, thuốc điều trị kháng virus cho HIV và màn ngủ được tẩm hóa chất để phòng ngừa sốt rét, song ít nhất một nửa dân số thế giới, tương đương khoảng 3,75 tỷ người, không được hưởng các dịch vụ y tế căn bản. Cũng theo báo cáo trên, 800 triệu người chi ít nhất 10% ngân sách gia đình cho các phí tổn chăm sóc sức khỏe cho bản thân, con cái hoặc thành viên khác trong gia đình bị ốm đau. Ngoài ra, đối với gần 100 triệu người, chi phí y tế cao đến mức đẩy họ rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực. Tình trạng bất bình đẳng trong các dịch vụ y tế không chỉ giữa các nước mà ngay cả trong cùng một quốc gia. Thế giới vẫn còn những khu vực tụt hậu về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân như tiểu vùng Sahara, châu Phi và Nam Á. Điều đó đồng nghĩa với một nửa thế giới vẫn thiếu độ bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu nhất.
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus (Tết-rốt Át-ha-nôm Ghê-bray-xút), nhấn mạnh rằng không thể chấp nhận được tình trạng vẫn còn hàng triệu phụ nữ sinh con mà không được trợ giúp y tế đúng cách, hàng triệu trẻ em không được tiêm vaccine chống lại các căn bệnh chết người, và hàng triệu người tử vong vì không được điều trị những căn bệnh như HIV, lao và sốt rét.
Hiện tại, tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí hoàn thành bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030, như một phần của các Mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều quốc gia đã có những nỗ lực cụ thể, đặc biệt tại châu Phi và châu Á, hai khu vực có nhiều nền kinh tế đang phát triển vốn thiếu nguồn vốn và cơ sở hạ tầng cho mục tiêu này. Tháng 12/2018, Chính phủ Kenya đã khởi động chương trình thí điểm cung cấp dịch vụ sức khoẻ miễn phí cho các công dân dưới 18 tuổi của nước này, hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ cho 3,2 triệu người vào năm 2022 sau đó mở rộng ra toàn quốc. Để đạt được mục tiêu này, Kenya hợp tác với Thái Lan, một trong số ít những nước đang phát triển đã hoàn thành bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trong khi đó, một quốc gia châu Á khác cán đích bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân rất sớm là Nhật Bản (từ năm 1961) cũng đang hỗ trợ Ai Cập xây dựng một lộ trình bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Những hợp tác hỗ trợ như trên là rất cần thiết bởi theo WHO, không có mô hình chung nào cho bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tình hình kinh tế, chính trị và xã hội mỗi nước khác nhau, do đó mỗi quốc gia nên tập trung phát triển các phương pháp riêng phù hợp.
Đẩy nhanh tốc độ bao phủ y tế toàn cầu là cần thiết, song Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) José Ángel Gurría (Hô-xê An-gen Gu-ria) cho rằng mục tiêu này sẽ là “lời hứa trống rỗng” nếu các chính phủ quá tập trung vào tăng độ bao phủ trong khi không quan tâm thoả đáng tới chất lượng các dịch vụ y tế. Cảnh báo này bắt nguồn từ thực trạng dịch vụ y tế chất lượng kém đang cản trở tiến trình cải thiện sức khỏe ở các quốc gia trên thế giới.
Chẩn đoán không chính xác, sai sót trong kê đơn, điều trị không phù hợp, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế lỗi thời hoặc thiếu an toàn, các nhà cung cấp thiếu đào tạo và chuyên môn... vẫn còn phổ biến trên toàn thế giới. Theo báo cáo chung của WHO, OECD và WB, chi phí phát sinh do chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe kém được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi năm. Khoảng 15% chi phí trong các bệnh viện ở các nước có thu nhập cao là do những sai lầm trong chăm sóc sức khỏe, hoặc do bệnh nhân bị lây nhiễm chéo trong thời gian điều trị. Tình trạng được ghi nhận tồi tệ nhất tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Cụ thể, tại 7 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi, xác suất các nhân viên chăm sóc sức khỏe có thể chẩn đoán chính xác các ca bệnh chỉ từ 1/3 tới 3/4 số ca.
Bởi vậy mà cam kết bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân cần được triển khai một cách công bằng và bền vững, với con người là trung tâm. Các quốc gia phải cơ cấu tài chính vững chắc, các chính phủ cần có những chính sách và chiến lược mạnh mẽ cải thiện chất lượng chăm sóc y tế. Bên cạnh đó, các hệ thống y tế cần tập trung vào chất lượng, giúp người bệnh tin tưởng hơn vào hệ thống. Người dân cần được quyền tiếp cận thông tin để có thể chủ động, tích cực tham gia các quyết định, cũng như thiết lập các mô hình chăm sóc sức khỏe mới và phù hợp, đáp ứng nhu cầu của từng địa phương. Khi nỗ lực đồng đều đến từ tất cả các bên, giấc mơ về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, để đảm bảo rằng “mọi bà mẹ đều có thể sinh con an toàn, mọi đứa trẻ đều sống sót sau sinh nhật thứ năm và không ai tử vong chỉ vì họ nghèo không đủ tiền chăm sóc y tế”, mới có thể trở thành hiện thực./.