Ngày 6-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, tính từ đầu năm, tại Hà Nội ghi nhận 1.105 ca mắc sởi, tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước. Bệnh nhân phân bố tại 363/584 xã, phường, thị trấn ở 30 quận, huyện, thị xã.
Một số địa phương ghi nhận có số ca mắc bệnh sởi cao là: Hoàng Mai (150 ca), Thanh Xuân (76 ca), Nam Từ Liêm (70 ca), Hà Đông (63 ca), Ba Đình (55 ca), Đống Đa và Thanh Trì (53 ca), Hai Bà Trưng (47 ca), Cầu Giấy, Đông Anh và Long Biên cùng có 45 ca.
Về bệnh sốt xuất huyết, có 10 ca mắc bệnh, giảm 9 ca so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm đến nay có 214 ca mắc, cũng tăng so với cùng kỳ năm 2018. Bệnh nhân phân bố tại 121 xã, phường thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã.
Trong tuần, có ba ổ dịch sốt xuất huyết mới được ghi nhận tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), xã Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai) và phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), đưa tổng số ổ dịch lên con số 28. Tuy nhiên, hiện chỉ còn bốn ổ dịch đang hoạt động.
Số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay là 237 trường hợp, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2018 (349 ca).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến ngày 5-5, tất cả các đơn vị đã hoàn thành chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết đợt 1. Các đơn vị đã tổ chức được 552 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; hơn 1,45 triệu hộ gia đình được kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn diệt bọ gậy (đạt 95,4%); gần 2,5 triệu dụng cụ chứa nước trong các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, công trường... được kiểm tra, trong đó các đơn vị phát hiện và xử lý gần 122.000 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, số ca mắc còn ở mức cao và có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới trong bối cảnh gia tăng chung của cả nước. Để chủ động phòng chống dịch bệnh sởi và sốt xuất huyết, ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đồng thời đi tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng sởi theo quy định.