Bạo lực gia đình không phải là “chuyện trong nhà”

09:33, 05/09/2019

Bạo lực gia đình đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây phẫn nộ trong xã hội. Nhiều năm qua, tình trạng này diễn ra không chỉ ở nông thôn, miền núi, mà còn xuất hiện cả ở khu vực thành thị. Ðiều đáng nói, bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng có nhiều biến đổi về hình thức và mức độ nghiêm trọng.

Gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những đoạn phim ghi lại cảnh phụ nữ bị bạo hành một cách thô bạo, tàn nhẫn. Ðiều đáng buồn là, người "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" đối với phụ nữ lại chính là người chồng. Hành vi bạo lực trong gia đình xâm phạm thân thể, gây đau đớn, thương tích, thậm chí đe dọa tính mạng, sau nữa còn xúc phạm nhân phẩm của nạn nhân, làm xói mòn giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến cộng đồng và xã hội.

Từ gần mười năm trước, thực trạng nhức nhối về bạo lực gia đình đã được quan tâm, nghiên cứu. Theo "Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam", năm 2010 do Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện, 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất một lần trong cuộc đời.

Báo cáo này chỉ ra, 32% số phụ nữ từng kết hôn đã chịu bạo lực thể xác trong đời; khoảng 5% phụ nữ từng có thai cho biết, họ đã bị chồng đánh đập trong thời gian mang thai. Tỷ lệ bạo lực tinh thần còn ở mức cao hơn, 54% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực tinh thần. Hầu hết phụ nữ bị bạo lực (87%) chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống hoặc từ những người có thẩm quyền. Theo kết quả thống kê của Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2011 tới 2015, trung bình mỗi năm, nước ta xảy ra hơn 31.500 vụ bạo lực gia đình, mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực. Trong tổng số 157.859 vụ bạo lực gia đình được phát hiện từ năm 2011 đến năm 2015, trường hợp nạn nhân là phụ nữ (từ 16 đến 59 tuổi) chiếm 74,24%.

Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật và chính sách liên quan phòng, chống bạo lực trong gia đình và bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Ðể hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong thời gian qua, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã chỉ đạo Hội LHPN các cấp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, can thiệp, lên tiếng, giám sát, theo dõi giải quyết vụ việc của các cơ quan chức năng và tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em. Từ năm 2007 tới nay, Hội LHPN Việt Nam duy trì Ngôi nhà bình yên tại Hà Nội với mục đích nhằm hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện đối với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, nạn nhân của mua bán người; duy trì tổng đài 1900 969680 tham vấn hỗ trợ, đẩy mạnh các hoạt động thiết thực, nâng cao kiến thức và kỹ năng sống cho phụ nữ, trẻ em.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc thực thi pháp luật và các mô hình phòng, chống bạo lực chưa được đánh giá một cách khách quan, tồn tại những khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế thực hiện. Vẫn còn những khoảng trống, điểm mờ pháp lý trong nỗ lực đưa ra ánh sáng những hành vi bạo hành thể xác và tinh thần, trong đó có xâm hại, lạm dụng tình dục phụ nữ, trẻ em. Kiến thức và nhận thức pháp luật về bạo lực gia đình của người dân, cha mẹ, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm, thậm chí của cả người thực thi pháp luật vẫn còn hạn chế, lệch lạc. Yếu tố cốt lõi của vấn đề này là do bạo lực gia đình vẫn bị coi là vấn đề riêng tư, là chuyện trong nhà "đóng cửa bảo nhau", xã hội không nên can thiệp. Người phụ nữ còn chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm truyền thống "một điều nhịn là chín điều lành", dẫn đến thái độ cam chịu, chấp nhận bị bạo hành, vô tình dung dưỡng cho cái xấu, cái ác. Vẫn có những người mặc định tư tưởng nam trị, gia trưởng, xem nhẹ vai trò của phụ nữ trong gia đình, coi hành vi bạo hành là đương nhiên, có thể chấp nhận được kiểu biện hộ "yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi".

Để phụ nữ và trẻ em được sống, học tập, làm việc trong một môi trường an toàn, trước hết, cần kiên quyết thay đổi nhận thức, hành vi của những người đàn ông, của mỗi gia đình, toàn xã hội; hoàn thiện hệ thống pháp luật đi kèm với việc thực thi pháp luật. Cần giúp phụ nữ nhận thức rõ quyền bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực và rằng, bạo hành gia đình là một vấn đề xã hội, cần bị lên án chứ không phải là chuyện trong nhà. Những người bị bạo hành cần vượt qua định kiến và nỗi đau của chính mình để chia sẻ tình trạng với người thân, bác sĩ hay tìm đến các phòng tư vấn, trung tâm tư vấn, đường dây nóng, các tổ hòa giải, nhóm hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực thi nghiêm túc quy định pháp luật, xử lý nghiêm với những người gây ra bạo lực; phối hợp các cấp hội phụ nữ tiến hành biện pháp nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho phụ nữ và trẻ em.