Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết

13:40, 10/09/2019

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3075 ngày 22-8-2019 hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết mới. Hướng dẫn mới này chi tiết hơn so với hướng dẫn cũ nhưng không khác biệt về sinh bệnh học, theo dõi, chẩn đoán và điều trị.  

Theo đó, hướng dẫn mới này có thông tin chi tiết về các xét nghiệm sớm sốt xuất huyết và đưa ra dấu hiệu cụ thể cảnh báo, theo dõi sốt xuất huyết ở từng đối tượng cụ thể như trẻ em, người mắc bệnh lý nền như tim mạch, thận, phổi; hướng dẫn cách chăm sóc các đối tượng đặc biệt; cách truyền dịch. Đặc biệt, hướng dẫn này cũng thông tin rất chi tiết trong vấn đề hồi sức cho người bệnh sốc vì sốt xuất huyết, tránh điều trị sai do sốt xuất huyết nặng gây ra, hạn chế tử vong.

Các cơ sở y tế phải xem biểu hiện sốt cấp tính của người bệnh để sàng lọc sốt xuất huyết vì hiện nay, sốt xuất huyết chẩn đoán dễ với tình trạng sốt cao đột ngột, kéo dài, kèm theo đau mỏi người, nhức đầu và có thể xuất huyết dưới da ở những ngày 4-5 sốt. Có trường hợp sốc, tụt huyết áp hoặc cô đặc máu.

Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, với tuyến dưới, cứ nghĩ sốt xuất huyết phải xuất huyết thì không phải. Nếu tiểu cầu giảm sẽ gây xuất huyết, còn sốt những ngày đầu không. Do đó, các nhân viên y tế cần sàng lọc, phát hiện sớm, tránh chẩn đoán sai là cảm cúm, viêm họng, sốt do căn nguyên sốt rét, nhiễm trùng huyết, viêm hô hấp… hoặc không theo dõi tình trạng sốc ngày thức 4, 5, dẫn tới tình trạng sốt xuất huyết bị sốc vào viện thì cứu chữa khó khăn.

Bên cạnh đó, một số nơi cho dùng thuốc hạ sốt không đúng cách, dùng thuốc corticoid, kháng sinh hay truyền dịch… dẫn tới nhiều nguy cơ. Đặc biệt là khi truyền dịch mà không biết tình trạng cô đặc máu của người bệnh dễ dẫn tới phù phổi cấp làm tình trạng sốc nặng lên. Nhiều người tiểu cầu giảm chưa tới mức cảnh báo theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng lại truyền tiểu cầu sẽ dẫn tới nguy hiểm tính mạng. Vì thế, những bệnh nhân có hiện tượng sốt, nôn, đau bụng vùng gan, xuất huyết nhiều, tiểu cầu hạ nhanh, men gan tăng, cô đặc máu cần phải nhập viện để điều trị theo tuyến chuyên khoa.