Điều chỉnh mức sinh để hướng tới cơ cấu dân số vàng

17:19, 11/05/2020

Việc duy trì mức sinh thay thế với tổng tỷ suất sinh 2,1 con/phụ nữ sẽ đưa quy mô dân số nước ta đạt mức cao nhất khoảng 115 triệu người vào năm 2049. Việc duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.

 

Già hóa dân số và mối lo thiếu hụt lao động

Mặc dù nước ta đã khống chế tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế hơn 13 năm qua nhưng đến nay vẫn đang có mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Hiện nay, 4/6 vùng trên mức sinh thay thế bao gồm: Trung du miền núi phía Bắc là 2,48 con, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung là 2,30 con, Tây nguyên 2,32 con, Đồng bằng sông Hồng 2,29 con. 2/6 vùng còn lại thì dưới mức sinh thay thế gồm Đồng bằng sông Cửu Long là 1,74 con và Đông Nam Bộ là 1,50 con. Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía Bắc) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là 0,98 con.

Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Nguyễn Doãn Tú cho biết, tính tổng tỷ suất sinh (TFR) trung bình năm năm gần đây, có 33 tỉnh có mức sinh hơn 2,2 con, 21 tỉnh có mức sinh dưới hai con và chỉ có chín tỉnh, thành phố có mức sinh chung quanh mức sinh thay thế (từ 2 đến 2,2 con). Chênh lệch mức sinh giữa nơi cao nhất và nơi thấp nhất là 1,57 con, trong đó cao nhất Hà Tĩnh là 2,9 con, thấp nhất TP Hồ Chí Minh là 1,33 con.

Nơi có mức sinh thấp tiếp tục có xu hướng giảm sâu và ngày càng lan rộng. Trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, có một số tỉnh mức sinh ở mức rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền trung, có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước.

“Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước”, ông Tú nói.

Bên cạnh đó, xu hướng mức sinh tăng cao trở lại sau khi đạt mức thay thế đã xuất hiện ở nhiều tỉnh tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ. Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao, quy mô dân số là 39,8 triệu người, chiếm 41,4% dân số cả nước. Nhiều tỉnh ở nhóm này có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Đáng chú ý, một số tỉnh phía Bắc trước đây đã đạt mức sinh thay thế tăng rất cao trở lại như Tuyên Quang từ 2,05 con (năm 2008) lên 2,62 con (năm 2018), Phú Thọ từ 1,99 con (năm 2007) lên 2,66 con (năm 2018), Nam Định từ 1,76 con (năm 2012) lên 2,82 con (năm 2018), Hải Dương từ 1,95 con (năm 2017) lên 2,59 con (năm 2018).

Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục, làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân của các địa phương này so với các khu vực khác.

Hướng tới cơ cấu dân số vàng

Ngày 28-4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Quyết định này đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; đồng thời duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.

Quyết định 588 khuyến khích giới trẻ kết hôn sớm, sinh con sớm và sinh hai con. Bên cạnh đó, cũng có những quy định về điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ; Mở rộng tiếp cận đến dịch vụ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ; Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, như được mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em.

Các chuyên gia nhận định, chính sách dân số mới này của Việt Nam là cơ hội để trong tương lai, Việt Nam sẽ có một thế hệ lao động mới, kéo dài cơ cấu dân số vàng, bảo đảm nguồn lực cho phát triển đất nước.

Chia sẻ thêm về chương trình điều chỉnh mức sinh này, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cho biết, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế, cho dù có nhiều chính sách khuyến khích sinh con với nguồn lực đầu tư lớn.

Ông Nguyễn Doãn Tú dẫn chứng, các nước như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc có chính sách khuyến sinh bằng nhiều đòn bẩy kinh tế - xã hội nhằm tăng mức sinh. Tuy nhiên, mức sinh không tăng được bao nhiêu và hiện ở mức rất thấp, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Việt Nam cũng cần có chính sách kiểm soát mức sinh và cần điều chỉnh kịp thời khi mức sinh có xu hướng giảm và giảm sâu.

Với một nửa số tỉnh có mức sinh cao, ông Tú nhấn mạnh, không nên để mức sinh quá cao trong bối cảnh kinh tế - xã hội ở những tỉnh này còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Về lo ngại việc điều chỉnh mức sinh có thể làm gia tăng dân số, ông Tú cho biết, quy mô dân số của nước ta còn lớn, vì vậy, cần phải có sự điều chỉnh và hướng dẫn để tránh tình trạng người dân hiểu lầm và gây ra phản ứng ngược khiến mức sinh tăng trở lại, nhất là ở những vùng đang có mức sinh cao. "Chúng ta cần có chính sách kiểm soát mức sinh linh hoạt cho các tỉnh, thành phố trên cơ sở khung mức sinh của quốc gia để duy trì mức sinh hợp lý. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất trong giai đoạn hiện nay, giúp chúng ta có được quy mô và cơ cấu dân số hài hòa nhất”, ông Tú nói.