Ngày 2-10, tại T.P Huế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2020).
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, tỉnh Thừa Thiên - Huế và đại diện gia đình đồng chí Tố Hữu.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu cũng là thời điểm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của các vị lãnh đạo tiền bối, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đồng tâm, hiệp lực, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương Thừa Thiên - Huế ngày càng giàu đẹp, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh ngày 4-10-1920 ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nhưng quê hương của ông ở làng Phù Lai (nay là thôn Tân Xuân Lai), xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế). Mặc dù được sinh ra ở Hội An nhưng Thừa Thiên - Huế lại là quê hương, là nơi khơi nguồn, bồi đắp lý tưởng và bầu nhiệt huyết cách mạng, tâm hồn thơ ca của Tố Hữu. Đây cũng là nơi đã chứng kiến những bước trưởng thành trong sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu.
Năm 13 tuổi, Tố Hữu vào học tập tại Trường Quốc học Huế. Tại mái trường này, ông đã tiếp cận được tư tưởng của Các Mác, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh... Đặc biệt, với sự dìu dắt của các nhà cách mạng Lê Duẩn, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu…, Tố Hữu đã sớm giác ngộ. Năm 1936, Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên cộng sản, được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi.
Tháng 4-1939, Tố Hữu bị địch bắt, tra tấn dã man và đày đi nhiều nhà lao như: Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, ngục Đắk Lay (Kon Tum)… Trong lao tù, Tố Hữu vẫn làm thơ động viên tinh thần các chiến sĩ cộng sản. Mỗi bài thơ của Tố Hữu như là một tiếng kèn thôi thúc, như lời mách bảo, nung nấu ý chí, cuốn hút lớp lớp thanh niên đi theo cách mạng, để giành lại độc lập tự do, tương lai tươi sáng cho dân tộc.
Tháng 3-1942, Tố Hữu vượt ngục về Thanh Hóa hoạt động, được Trung ương phái vào tổ chức Ủy ban khởi nghĩa ở các tỉnh miền Trung. Ngày 17-8-1945, theo sự chỉ đạo của Trung ương, ông đến Huế cùng Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh thành lập Ủy ban khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên - Huế và chuẩn bị mọi mặt để giành chính quyền ở đây.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tố Hữu đã có công lớn trong việc khôi phục lại tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương mà trước đó đã bị địch đàn áp dã man. Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh, ông cùng với Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Huế - Kinh đô của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, đầu não của chính quyền bù nhìn cả nước, là nơi đóng quân và bộ máy tối cao của cố vấn Nhật. Đồng thời, lãnh đạo củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ khi mới được thành lập.
Đại diện gia đình đồng chí Tố Hữu phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta lại bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, văn hóa, nhà thơ, Tố Hữu đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, anh dũng và vẻ vang của dân tộc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông luôn có mặt ở tiền tuyến như một chiến sĩ xung phong, nhiều lần tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Tây Bắc.
Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Tố Hữu đã không quản ngại gian lao, nguy hiểm, xung phong vào chiến trường miền Nam, đi dọc theo tuyến đường Trường Sơn để viết nên những câu thơ hùng tráng, có sức lay động mạnh mẽ lòng người, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa anh hùng cách mạng của bao lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, Tố Hữu đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng. Trong đó có nhiều năm ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng.