Ngày 13-11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Đại hội thi đua yêu nước cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương giai đoạn 2020-2025. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo đại hội.
5 năm qua, các phong trào thi đua của Ban Tuyên giáo Trung ương đã bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của cơ quan, gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phong trào thi đua chung của cả nước. Trong đó, nổi bật là các phong trào thi đua như “Cả nước chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới’; “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau; “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”… được đội ngũ cán bộ, đảng viên tích cực hưởng ứng. Từ phong trào thi đua đã tham mưu để xuất sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ được giao; cải tiến lề lối làm việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tích cực tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị. Cùng với đó công tác khen thưởng được thực hiện nghiêm túc, dân chủ, công khai theo đúng quy định.
Tuy nhiên, trong công tác thi đua, khen thưởng của Ban vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số vụ, đơn vị không có sáng kiến hoặc sáng kiến chưa được áp dụng; việc lựa chọn, đề xuất phong tặng danh hiệu thi đua ở một số vụ, đơn vị còn có biểu hiện “nể nang”, “dễ dãi”, “cào bằng”, chưa thực chất.
Để phong trào thi đua đạt kết quả cao trong nhiệm kỳ tới, ông Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương đề xuất: “Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; tự giác, gương mẫu trong quán triệt, bảo vệ Chủ nghĩa Mác Lê nin, thực hành theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giữ gìn phẩm chất, đạo đức nói đi đôi với làm; gần gũi, kịp thời động viên, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của đồng chí, đồng nghiệp. Đồng thời coi công tác thi đua khen thưởng là một nhiệm vụ, một nội dung quan trọng của cấp ủy, của đơn vị và phải được cụ thể hóa thành nghị quyết, kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị; là công việc thường xuyên, hàng ngày của từng cán bộ, lãnh đạo, chuyên viên”.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Võ Văn Thưởng nêu rõ, tuyên giáo là công tác đi trước, mở đường, đòi hỏi những người làm công tác tuyên giáo đặc biệt là ở cấp Trung ương phải thực sự là những chiến sỹ tiên phong.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh, trước những đòi hỏi ngày càng cao của công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ tuyên giáo cần phải chuẩn bị những hành trang gì, xác định tâm thế ra sao, hành động như thế nào để thực sự xứng đáng, tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.
“Theo tôi đây chính là một trong những vấn đề then chốt mà trong phong trào thi đua yêu nước của Ban trong thời gian tới cần quan tâm đặt ra. Mỗi cá nhân, cán bộ công chức, viên chức, người lao động Ban Tuyên giáo Trung ương cần nghiêm túc nghĩ tới. Chúng ta cần suy ngẫm sâu sắc về đặc thù của công tác tuyên giáo, những yêu cầu đồi với ngành và người làm công tác tuyên giáo trong tình hình, điều kiện mới để phong trào thi đua yêu nước được triển khai có tính thực tiễn. Từ đó tạo môi trường đoàn kết, thống nhất, phát huy tính sáng tạo cá nhân và sức mạnh tập thể; thể hiện đúng vai trò, vị thế của ngành tuyên giáo và Ban Tuyên giáo Trung ương, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng và nhân dân tin tưởng, giáo phó”, ông Võ Văn Thưởng nêu rõ.
Trên tinh thần đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị các cán bộ Ban Tuyên giáo cần bám sát nhiệm vụ chính trị của Ban; quan tâm đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công việc hàng ngày. Đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua để đi vào chiều sâu, trở thành sinh hoạt định kỳ. Cùng với đó cần tạo ra môi trường thi đua lành mạnh để thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia..