Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam

15:04, 25/11/2020

Sáng 25-11, Đại hội lần thứ X Hội nhà văn Việt Nam đã bế mạc sau 03 ngày làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã dự và phát biểu tại Đại hội.

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, trong năm năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận trong việc đẩy mạnh sáng tác, có thêm nhiều tác phẩm có giá trị, cơ bản bám sát thực tế của đất nước, đẩy mạnh quảng bá các tác phẩm và giao lưu hội nhập quốc tế.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ của Hội là phải tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự suy thoái biến chất về chính trị, tư tưởng và đạo đức, trong tổng kết văn học Việt Nam nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, thúc đẩy hòa hợp dân tộc, thông qua văn học, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội; đồng thời tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học.

Đồng chí cũng cho rằng, Hội phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho một dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là con người Việt Nam. Đó là triển vọng, là tương lai của đất nước mà nhà văn cần hướng tới.

Tổng kết nhiệm kỳ qua, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, Hội đã có nhiều hoạt động đáng kể đưa nền văn học Việt Nam tiếp tục phát triển, đạt được những thành quả nổi bật trên cả bốn phương diện: đẩy mạnh sáng tác, xây dựng đội ngũ, quảng bá tác phẩm, hội nhập quốc tế; đem đến một diện mạo văn học đa dạng phong phú, khuyến khích nhiều cá tính sáng tạo, nhiều tìm tòi thể nghiệm cái mới…, từng bước đưa đời sống văn học đã trở nên năng động hơn, thích ứng với yêu cầu mới của đời sống.

Ban Chấp hành Hội đã thực hiện nhiều biện pháp động viên các nhà văn có những sáng tác bám sát đời sống, mạnh mẽ đi vào những vấn đề trung tâm của đất nước, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa, xây dựng con người; kế tục thành tựu, xu hướng phát triển 35 năm đổi mới dòng chủ lưu của văn học nước ta hiện nay là đề cao lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn và hội nhập tích cực.

Đánh giá về những hạn chế trong nhiệm kỳ qua, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thẳng thắn thừa nhận, mặc dù có nhiều đổi mới về tư duy văn học, về đề tài, chủ đề và phương pháp sáng tác, nhưng cho đến nay văn học vẫn chưa xây dựng được những hình tượng nghệ thuật thật tiêu biểu, có sức khái quát cao về hai cuộc chiến tranh vĩ đại, công cuộc Đổi mới còn ít tác phẩm đủ sức gây thành các hiện tượng văn học. Tình trạng trung bình, tản mạn còn khá phổ biến, tính chuyên nghiệp chưa cao. Việc tiếp thu các trào lưu nghệ thuật của nước ngoài được mở rộng nhưng chưa có sự chọn lọc, nghiền ngẫm sâu sắc. Trong lý luận phê bình văn học còn biểu hiện gò bó, máy móc khi vận dụng các quan điểm nghệ thuật của nước ngoài vào thực tiễn đời sống văn học trong nước.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Ảnh: Báo Nhân dân

Tại buổi bế mạc, Đại hội Hội nhà văn Việt Nam đã chính thức công bố Ban Chấp hành mới và Ban Kiểm tra của Hội. Ban chấp hành mới có 11 thành viên, trong đó có 8 ủy viên, gồm các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Hữu Việt, Bích Ngân, Trần Hùng, Vũ Hồng, Phan Hoàng, Khuất Quang Thụy và Lương Ngọc An.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương là hai Phó Chủ tịch.