"Người Việt dùng hàng Việt" góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch

08:02, 22/06/2022

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, thời gian qua, Ủy ban MTTQ, các sở, ban, ngành trong tỉnh đẩy mạnh triển khai các nội dung Cuộc vận động. Từ đó, khuyến khích người dân Thái Nguyên tiêu dùng hàng hóa Việt, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Theo đó, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành tuyên truyền về Cuộc vận động thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn và trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Báo, tạp chí, trang thông tin điện tử; tuyên truyền, cổ động thông qua các phương tiện trực quan như bảng điện tử, pano, áp phích…

Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh gặp khó khăn ở khâu phân phối, bán sản phẩm, Sở Công Thương (đơn vị Thường trực triển khai Cuộc vận động) đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong khâu tiêu thụ sản phẩm thông qua các giải pháp hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương lên sàn thương mại điện tử; duy trì website quảng bá một số sản phẩm chủ lực, tiêu biểu như chè; hỗ trợ các doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cập nhật, tư vấn trong việc cấp mã QR... Từ giữa năm 2021 đến nay, đơn vị này đã hỗ trợ đưa 76 sản phẩm OCOP và 35 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ cập nhật địa chỉ của 35 cụm công nghiệp và 263 làng nghề trên địa bàn tỉnh lên các trang mạng.

Ngoài ra, thông qua những giải pháp về phát triển thị trường đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng hàng hóa bị tồn đọng. Cũng theo khảo sát mới nhất của Ủy ban MTTQ tỉnh, hiện nay, tỷ trọng hàng hóa Việt bán tại các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chiếm tỷ lệ cao, như tại siêu thị Aloha là 97%, siêu thị GO! Thái Nguyên 91%, siêu thị Minh Cầu 85%, siêu thị Lan Chi là 70%... Cùng với đó, hàng trăm sản phẩm nông sản của tỉnh được đưa lên sàn giao dịch điện tử và bán với số lượng lớn, đơn cử như qua các kênh trực tuyến và kênh bán hành trực tiếp, vụ na năm 2021, bà con nông dân huyện Võ Nhai đã tiêu thụ được khoảng 80 nghìn tấn na.

Người dân huyện Đại Từ tìm hiểu việc ứng dụng công nghệ số trong thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Thực hiện Cuộc vận động, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, nhằm nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ về cơ chế, chính sách trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty CP chè Hà Thái, chia sẻ: "Thông qua Cuộc vận động đã giúp chúng tôi nêu cao ý thức tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để duy trì sản xuất - kinh doanh, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa của đơn vị". Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, trong giai đoạn khó khăn bởi dịch COVID-19, vẫn có gần 70% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất - kinh doanh ổn định; trên 30% số doanh nghiệp còn lại hiện nay đang có tín hiệu phục hồi. 

Nhằm thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, Ủy ban MTTQ tỉnh đang phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Chỉ thị số 03-CT/TW, Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động trong tình hình mới; việc ứng dụng công nghệ số trong thực hiện Cuộc vận động; giới thiệu các doanh nghiệp tiêu biểu, địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng có thêm thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ; giới thiệu các kênh phân phối hàng hóa.

Nói về hoạt động này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Lê Hồng Phong, thị trấn Đu (Phú Lương), bày tỏ: “Hội nghị là cơ hội quý báu để chúng tôi nắm bắt sâu sắc hơn quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với Cuộc vận động; biết được các doanh nghiệp Việt uy tín để lựa chọn hàng hóa tiêu dùng”.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc vận động, vừa qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức Hội chợ triển lãm mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP tại trung tâm TP. Thái Nguyên, với quy mô 200 gian hàng, thu hút hàng nghìn lượt người dân đến tham quan, mua sắm mỗi ngày. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hồ, xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên), chia sẻ: “Nhờ có Hội chợ, chúng tôi mới biết tỉnh Thái Nguyên có rất nhiều sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP như vậy, qua đó thêm tự hào và yên tâm khi mua sắm hàng hóa do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất”.

Có thể thấy, cùng với nhiều giải pháp thích ứng linh hoạt của các cấp, các ngành, địa phương sau dịch nhằm kích cầu phát triển sản xuất - kinh doanh, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang góp phần không nhỏ giúp phục hồi kinh tế sau dịch.