Sau các trận mưa bão, ngập lụt những ngày qua, rác, chất thải, động vật chết, vi sinh vật … theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Vì vậy, các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ đang tập trung xử lý môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.
Đợt mưa lớn từ ngày 22 đến 24-5 đã gây thiệt hại nặng cho gia đình ông Đặng Hữu Nghiêm, xóm Lý Nhân, xã Bá Xuyên (TP. Sông Công). Đưa mắt nhìn một vòng khu chuồng trại chăn nuôi, ông Nghiêm buồn rầu: Mưa to, nước ngập kín đường đi nên xe vận chuyển gà không thể ra ngoài, gần 700 con gà thịt đến ngày xuất bán của gia đình tôi gặp mưa, bị sốc nhiệt nên chết cả đàn. Hơn nữa, sau mưa lũ, môi trường xung quanh có rất nhiều nguy cơ gây hại, gây bệnh cho vật nuôi. Vì vậy, tranh thủ mấy ngày nắng ráo, tôi đang khẩn trương dọn rửa, vệ sinh, phun khử khuẩn, rắc vôi bột trong, ngoài chuồng trại và cả khu vực đường đi bị ngập úng trước đó.
Không riêng các hộ chăn nuôi hay sản xuất nông nghiệp, đời sống của nhiều hộ dân tại các địa phương trong tỉnh cũng bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài. Nằm trong khu vực có địa hình “lòng thuyền”, cư dân tổ dân phố (TDP) 8, phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) phải sống trong cảnh ngập úng kéo dài nhiều ngày qua.
Ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng TDP 8, thông tin: Trận mưa ngày 30 và 31-5 đã khiến nhà của hầu hết các hộ dân trong khu vực bị ngập, có nơi ngập 1-1,5m. Đến ngày 2 và 3-6 trời tạnh ráo, nước rút dần, bà con đã khẩn trương dọn dẹp nhà cửa, đường đi, khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường nhằm tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết. TDP cũng đã thông tin, hướng dẫn người dân đến Trạm Y tế phường lấy thuốc CloraminB để phun khử khuẩn.
Ông Đặng Hữu Nghiêm, xóm Lý Nhân, xã Bá Xuyên (TP. Sông Công) rắc vôi bột khử khuẩn xung quanh khu vực bị ngập úng.
Cùng với sự chủ động của người dân, các đơn vị, cơ quan chức năng trong tỉnh cũng đã tăng cường các hoạt động khắc phục, xử lý môi trường sau mưa lũ. Ngành Y tế tỉnh chỉ đạo trung tâm y tế, trạm y tế các địa phương tập trung vệ sinh khử khuẩn, phun hóa chất sát trùng phòng dịch bệnh; Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chính quyền các địa phương hướng dẫn người dân, các tổ chức liên quan khi nước rút đến đâu, triển khai các phương án thu gom, xử lý rác thải, bùn đất xác động vật đến đó, đặc biệt là tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chợ, khu dân cư, sông, suối hay trường học, khu vực có nguy cơ ô nhiễm như bãi chôn lấp rác, kho hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật...
Ngành chức năng của tỉnh cũng yêu cầu các địa phương chủ động bố trí kinh phí mua hóa chất (Cloramin B và PAC) nhằm cấp phát đủ cho người dân vùng ngập úng xử lý nước giếng bị nhiễm bẩn do mưa lũ, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tẩy uế, khử khuẩn các khu vực ô nhiễm sau khi nước lũ rút.
Người dân thu dọn rác thải, vớt đồ dùng bị trôi sau mưa lũ.
Bà Giang Thị Thu Hoa, Đội trưởng Đội 8, Công ty CP Môi trường Đô thị và Công trình Thái Nguyên (đơn vị phụ trách thu gom rác thải tại 9 xã, phường của TP. Thái Nguyên), cho biết: Mưa lớn khiến nước ngập nhiều tuyến đường nên rác thải trôi dạt, ùn ứ, chất đống tại nhiều vị trí. Đặc biệt ở phường Chùa Hang, xã Linh Sơn, nhiều vị trí bị ngập sâu nên rác thải không được thu gom. Những ngày qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các xã, phường, TDP để kịp thời thông tin, khuyến cáo người dân để rác thải ở vị trí cao, tránh ô nhiễm. Khi nước rút đến đâu, công nhân chúng tôi sẽ vào thu gom đến đó.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm thời tiết còn diễn biến thất thường, ngành chức năng của tỉnh khuyến cáo các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình trước, trong và sau mỗi đợt mưa; triển khai hiệu quả các phương án ứng phó nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, không phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt, không để xảy ra sự cố môi trường, sự cố chất thải…