Ngày 1-7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính chủ trì Hội nghị với các bộ, ngành, địa phương để sơ kết tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022. Đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự tại điểm cầu Thái Nguyên (ảnh).
Theo Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022 là 34.800 tỷ đồng. Trong đó, các bộ, ngành được giao trên 12.100 tỷ đồng, còn lại là các địa phương. Bên cạnh đó, vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài kế hoạch năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là hơn 5.300 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện phân bổ kế hoạch vốn chi tiết và nhập dự toán trên hệ thống Tabmis của Kho bạc Nhà nước 33.289 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch vốn được giao của năm 2022. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong 6 tháng năm 2022 chỉ đạt 9%. Trong đó, các bộ, ngành đạt trên 16%, các địa phương đạt trên 5%.
Đối với Thái Nguyên, năm 2022, tỉnh được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài là gần 689 tỷ đồng cho 6 dự án đang triển khai trên địa bàn. Tỉnh đã thực hiện phân bổ 100% kế hoạch vốn và nhập dự toán 100% trên hệ thống Tabmis. Tính đến hết ngày 30-6, tỉnh đã giải ngân trên 131 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch vốn được giao. Với kết quả này, Thái Nguyên được đánh giá là một trong các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao trong cả nước.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Xuân Trường đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân tại Thái Nguyên. Đồng thời nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, tỉnh Thái Nguyên sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa ra các giải pháp phù hợp để các dự án được triển khai đúng tiến độ, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài đạt 96% kế hoạch được giao.
Tại Hội nghị, một số bộ, ngành và các địa phương khác cũng đã nêu những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân đạt thấp và đề xuất giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề kiểm soát giá thị trường nhất là đối với mặt hàng vật liệu xây dựng, thúc đẩy giải phóng mặt bằng…
Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị, địa phương, đại diện Bộ Tài chính đã giải đáp một số nội dung; đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, đôn đốc nhà đầu tư, làm rõ những khó khăn để đẩy nhanh thủ tục giải ngân. Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, từ đó thúc đẩy giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài ở mức cao nhất, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch COVID-19.