Việc tăng cường quản lý trong hoạt động giết mổ được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay, việc kiểm soát giết mổ đối với các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh phần nào bị "bỏ ngỏ".
Đa phần thịt lợn được bày bán tại chợ Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan chuyên môn. |
Tìm hiểu thực tế tại chợ Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), chúng tôi nhận thấy có khá nhiều gian hàng thịt lợn được bày bán nhưng không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan chuyên môn. Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ, các chủ hàng đều giải thích là mua lợn sống tại nhà dân rồi đem về giết mổ và mang ra chợ bán. Tất cả đều khẳng định nguồn thịt lợn đảm bảo, người mua hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở khu vực chợ Túc Duyên, cho biết: Nhiều năm nay, nhà tôi chủ yếu tự giết mổ, vì mang vào lò mổ tập trung lại phải mất thêm chi phí. Ngoài ra, người tiêu dùng chỉ cần nhìn thịt tươi ngon, chứ ít người quan tâm đến có dấu kiểm soát mổ hay không.
Tương tự, tại chợ Thái (TP. Thái Nguyên), các sản phẩm thịt gà cũng đa phần chưa có dấu kiểm soát giết mổ. Các tiểu thương thường bán gà sống, khi có khách đến hỏi mua sẽ giết mổ ngay tại chỗ. Chị Trần Thị Thanh Ngọc, ở phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Mặc dù quá trình giết mổ diễn ra ngay dưới nền gạch, nhiều lúc không đảm bảo vệ sinh nhưng vì tiện lợi nên tôi vẫn thường "nhắm mắt cho qua".
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố chỉ có chức năng kiểm soát tại các cơ sở giết mổ đã được cấp phép. Còn đối với điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự phát tại các chợ, khu dân cư, trách nhiệm quản lý thuộc về chính quyền cấp xã.
Thực tế cho thấy, chính quyền một số địa phương cũng chưa quan tâm đến việc xử lý các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tự phát hoặc chế tài chưa đủ mạnh để xử phạt răn đe. Đối với ban quản lý các chợ truyền thống cũng chưa sát sao trong việc kiểm soát nguồn gốc thịt gia súc, gia cầm.
Trước thực trạng trên, để tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, một số cơ sở giết mổ đã bắt đầu sản xuất theo chuỗi liên kết, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ, điểm buôn bán gia súc, gia cầm; lấy mẫu thịt lợn, thịt gà để kiểm tra… nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Chi cục cũng đề nghị trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, đảm bảo động vật khỏe mạnh, không bệnh tật trước khi đưa vào giết mổ và bán cho người tiêu dùng.
Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng được khuyến cáo nên thay đổi thói quen, chỉ sử dụng các sản phẩm thịt động vật có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có dấu kiểm soát của cơ quan chuyên môn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin