Tối nay (28-12), tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh (1/1/1964 - 1/1/2024).
Dự buổi Lễ có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Quân khu 1; lãnh đạo các bộ, ban, ngành và lãnh đạo một số tỉnh.
Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; nguyên Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; đại diện một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Thái Nguyên tự hào là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, một trong những địa bàn chiến lược được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi đặt đại bản doanh để lãnh đạo quân và dân ta trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Sau khi chia tay với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trở về Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 7 lần trở lại thăm, làm việc tại tỉnh. Lần cuối cùng Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên là ngày 1/1/1964. Bác đến thăm cán bộ, công nhân Khu Gang thép, Nhà máy điện Cao Ngạn... Bác chúc mừng năm mới và nói chuyện với nhân dân tại Sân vận động TP. Thái Nguyên.
Các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là Lễ kỷ niệm, thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm của Người dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Buổi Lễ là hoạt động thiết thực cổ vũ, động viên cán bộ và Nhân dân đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời là dịp để tỉnh nhìn lại hành trình hơn nửa thế kỷ thực hiện lời Bác dạy, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, củng cố niềm tin, tạo động lực mới thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.
20 giờ 05 phút: Các đại biểu và nhân dân tham gia buổi Lễ thực hiện nghi lễ Chào cờ.
Từ 20 giờ 12 phút: Lễ kỷ niệm chính thức bắt đầu với tiết mục nghệ thuật “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Sáng tác: Nhạc sĩ Văn Cao.
Màn hát múa khai từ được bắt đầu bằng âm thanh của dàn Vocal hoành tráng, sau đó bắt vào bài hát của lĩnh xướng... lúc đầu là những giai điệu dàn trải, mênh mang tha thiết.
Trong tiết mục nghệ thuật mở đầu, hình ảnh chân dung Hồ Chủ tịch rạng ngời, thể hiện trong vũ điệu ngập tràn niềm vui, hình ảnh đất nước Việt Nam và vùng đất, con người Thái Nguyên.
20 giờ 15 phút: Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
20 giờ 19 phút: Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, trình bày diễn văn kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên.
Diễn văn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ôn lại lịch sử 7 lần Bác Hồ về thăm Thái Nguyên, đồng thời nêu bật những thành tựu tỉnh đạt được trong những năm qua. Đặc biệt, lần cuối Người về thăm tỉnh Thái Nguyên là một thời điểm hết sức đặc biệt, đó là vào ngày cuối cùng của năm 1963, và ngày đầu tiên của năm mới 1964. Người đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh), đến thăm cán bộ, công nhân Khu Gang thép Thái Nguyên và Nhà máy điện Cao Ngạn...
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, trình bày diễn văn kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên. |
Tại Sân vận động Thái Nguyên, ngày 1/1/1964, Người nói chuyện với hơn 45.000 cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh. Cũng tại buổi nói chuyện lịch sử này, Người đã căn dặn và mong muốn “Xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta”.
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thái Nguyên tại Sân vận động Thái Nguyên, ngày 1/1/1964. Ảnh: Tư liệu |
60 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ về Thái Nguyên. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, những năm gần đây, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành tỉnh có những bước phát triển vượt bậc. Cụ thể, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ; quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng; tăng trưởng luôn ở mức cao hơn bình quân chung cả nước; thu ngân sách luôn nằm trong tốp 18 tỉnh cao nhất cả nước. Năm 2023, thu ngân sách đạt 20.000 tỷ đồng, đã chính thức ghi một dấu mốc quan trọng - lần đầu tiên Thái Nguyên tự cân đối được thu chi ngân sách.
Thái Nguyên còn là điểm sáng về thu hút đầu tư vốn nước ngoài, với trên 200 dự án FDI, tổng vốn đầu tư lên đến gần 11 tỷ đô la; nhiều tập đoàn lớn, hàng đầu thế giới đã lựa chọn Thái Nguyên, để tập trung đầu tư và mở rộng sản xuất. Nhiều năm liên tục gần đây, Thái Nguyên luôn xếp thứ 4 cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu, đạt mức từ 27 đến 32 tỷ USD. Các xếp hạng về cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của tỉnh đều đứng trong top 5, top 10 toàn quốc.
Tỉnh đứng thứ 2/63 tỉnh thành phố về chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS); đứng thứ 9/63 về chỉ số cải cách hành chính (Par index); và đứng thứ 8/63 về chỉ số chuyển đổi số trong hai năm liên tiếp 2021, 2022. Thái Nguyên là địa phương thứ 5/63 tỉnh, thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên xin hứa với Bác, với Trung ương nguyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn, cùng đoàn kết xây dựng Thái Nguyên luôn bình yên, luôn hạnh phúc, luôn sung túc và ngày càng phát triển, để sớm hiện thực hóa mong muốn của Bác “Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta”.
20 giờ 32 phút: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự vui mừng, xúc động và tự hào được một lần nữa đến thăm vùng đất giàu truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng, hòa chung trong không khí trang trọng, tự hào, cùng toàn thể đồng bào, đồng chí tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên. Lễ kỷ niệm hôm nay là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên báo công dâng Bác hành trình 60 năm thực hiện lời căn dặn của Người; là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên thể hiện sâu sắc hơn lòng tôn kính, biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Vương Đình Huệ ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển. Đồng chí đề nghị thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy thành tựu đã đạt được, tiếp tục cụ thể hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình mới và điều kiện thực tế; gắn việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, gắn với thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chú trọng 2 khâu đột phá trong phát triển vùng là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; phát huy hơn nữa tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo môi trường và động lực mới cho phát triển; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới…
Thái Nguyên cần tiếp tục thấm nhuần sâu sắc quan điểm “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Đảng ta, quan tâm phát huy truyền thống, thế mạnh của bản sắc văn hóa Thái Nguyên. Đặc biệt chú trọng bảo vệ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó có Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với truyền thống cách mạng, anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; tiếp tục có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa Thái Nguyên trở thành một tỉnh giàu có, phồn thịnh như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.
20 giờ 45 phút: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi tặng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên bức ảnh tư liệu "Bác Hồ thăm Lò cao, khu Gang thép Thái Nguyên, ngày 01/01/1964".
Đây là bức ảnh ghi dấu lần thứ 3 Bác Hồ đến thăm Khu Gang thép Thái Nguyên - một trong những “cánh chim đầu đàn” về công nghiệp nặng của cả nước. Người căn dặn: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang; nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như vậy…”.
20 giờ 50 phút: Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Lời Người vang vọng non sông” bắt đầu.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù bận trăm công, ngàn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm, theo dõi sát sao những việc làm, sự kiện diễn ra ở khắp các địa phương trong cả nước.
Thái Nguyên vinh dự và tự hào khi được Bác Hồ luôn dành cho sự quan tâm đặc biệt và tình cảm sâu sắc. Trong suốt 60 năm qua, thực hiện lời căn dặn và mong muốn của Người khi về thăm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng vươn lên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và công cuộc đổi mới, hội nhập, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa sự nghiệp cách mạng lên một tầm cao mới.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Lời Người vang vọng non sông” được dàn dựng công phu với mong muốn khắc họa nguồn cảm xúc từ những dấu ấn thiêng liêng, tự hào vào thời điểm Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên tròn 60 năm về trước, đồng thời thể hiện một Thái Nguyên giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng với hành trình phát triển, hướng tới tương lai.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ nổi tiếng, các nghệ sĩ, diễn viên đến từ Nhà hát Nghệ thuật quân đội; Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên; các học viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương.
Chương I có chủ đề “Lời Bác vang vọng non sông”
20 giờ 51 phút: Ca khúc “Như hoa hướng dương”, sáng tác Nhạc sĩ Phạm Tuyên, được biểu diễn.
20 giờ 53 phút: Ca khúc “Việt Bắc nhớ Bác Hồ”, sáng tác Nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Để có được hòa bình hôm nay, đất nước đã phải trải qua bao mất mát, hy sinh, trải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Tổ quốc Việt Nam ta với hơn 4000 năm lịch sử, với truyền thống anh hùng cách mạng đang vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế, để hôm nay, mỗi người con đất Việt có thể tự hào và kiêu hãnh "Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ"!.
20 giờ 57 phút: Ca khúc “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”, sáng tác Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.
21 giờ 02 phút: Chương trình nghệ thuật chuyển sang Chương II với chủ đề “Thái Nguyên tình Bác”.
Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ... rời Thủ đô chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa). Tại ATK Định Hóa, Bác viết bài thơ Cảnh khuya nổi tiếng; viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” chỉ dẫn về công tác xây dựng Đảng; chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh, khởi nguồn cho sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ trong toàn quốc (27/7).
Cũng từ ATK Định Hóa, Bác và Trung ương Đảng, Chính phủ đã ra nhiều quyết định quan trọng như mở Chiến dịch Biên giới năm 1950, bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953-1954) và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Nhiều quyết định của Trung ương liên quan đến các vấn đề quốc kế dân sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cũng được ra đời tại ATK Định Hóa.
21 giờ 03 phút: Ca khúc “ATK nhớ mãi ơn Người”, thơ: Tố Hữu, sáng tác: Nhạc sĩ Lê Tú Anh, được biểu diễn. Hình ảnh ATK những năm ấy được tái hiện trên sân khấu. Bác Hồ cùng các chiến sĩ cận vệ đi trên bục cao của sân khấu như đang trong một đoạn đường công tác.
Kháng chiến thành công, ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà sàn bé nhỏ, đơn sơ trên đồi Thành Trúc (xóm Đầm Nưa, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ) trở về Thủ đô Hà Nội sau gần 8 năm xa cách. Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Thái Nguyên (từ tháng 5/1947 đến tháng 10/1954) đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc. Mỗi khi có dịp, Bác lại nhắc nhở, thăm hỏi Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, đến việc đồng bào, đồng chí no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau, thương yêu nhau như ruột thịt, đồng lòng kháng chiến.
Kể từ sau khi chia tay với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và đồng bào vùng Việt Bắc để trở về Hà Nội cho đến khi cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 7 lần trở lại thăm hỏi, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên xây dựng cuộc sống mới. Đó chính là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc trong tỉnh vì tình cảm mà Bác dành cho đất và người nơi đây.
Trong 7 lần về thăm Thái Nguyên, Bác đã đi nhiều nơi, căn dặn nhiều điều. Đến hôm nay, những lời dạy của Bác vẫn vang vọng trên vùng đất Thủ đô gió ngàn, trở thành niềm vinh dự, tự hào, nguồn cổ vũ tinh thần to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Ngày 2/3/1958, Bác Hồ trở lại thăm tỉnh Thái Nguyên lần thứ ba. Hồ Chủ tịch đến kè Lũ Yên, xã Yên Thịnh (nay thuộc xã Đào Xá, huyện Phú Bình) xem chiếc máy bơm tự động chạy bằng sức nước do Trung Quốc giúp ta mà Bộ Thủy lợi và Kiến trúc xây lắp đang cho chạy thử ở đây. Sau đó, Bác đi thăm các hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Đại Từ.
21 giờ 06 phút: Hoạt cảnh tái hiện lại hình ảnh Bác Hồ trong 7 lần trở lại thăm Thái Nguyên được biểu diễn. Buổi sáng khi trời còn giá rét nhưng khi được tin Hồ Chủ tịch đến thăm, đồng bào khắp các ngõ xóm đã nô nức đi đón Bác để được nghe Bác nói chuyện.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng vẫn không ai quên được hình ảnh Bác Hồ rất gần gũi và giản dị, giọng nói của Bác ôn tồn, thân thiết. Bác cùng đoàn công tác vào thăm nhà của một xã viên. Khi đến, Bác ngồi ở chiếc chõng tre kê ngoài sân, sẵn có nải chuối chín, chủ nhà vội chạy vào trong nhà bưng ra mời Bác. Bác cười đôn hậu và lấy chuối chia cho các cháu nhỏ ở xung quanh, rồi hỏi thăm công việc làm ăn của gia đình.
21 giờ 12 phút: Màn hát múa “Muôn vàn tình thương yêu” và “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”.
Cả cuộc đời vì nước, vì dân, khi về với thế giới người hiền, Người đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho dân tộc. Người trao gửi cho thế hệ mai sau tất cả tình yêu thương trong lời căn dặn: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng... Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”. Tuy đã đi xa, nhưng Người luôn sống mãi trong tim của người dân đất Việt.
Trong muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ dành cho “mọi kiếp người”, có một tình yêu thương bao la dành cho thiếu niên, nhi đồng. Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”.
Bác đặc biệt quan tâm đến con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều lần về thăm Thái Nguyên, Bác dành thời gian đến thăm Trường thiếu nhi rẻo cao Khu tự trị Việt Bắc. Bác ân cần căn dặn: “Các cháu thuộc nhiều dân tộc ở nhiều địa phương khác nhau lại càng phải đoàn kết giúp đỡ nhau như anh em một nhà”.
21 giờ 17 phút: Ca khúc “Nhớ ngày Bác về thăm Khu Gang Thép”, nhạc Đặng Trần Xuân, sáng tác Nguyễn Đức Thiện.
Lần cuối cùng Bác trở lại thăm tỉnh Thái Nguyên, ngày 1/1/1964. Mỗi lần về thăm tỉnh, thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng Bác đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nhiều tầng lớp, tìm hiểu sâu sắc đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân. Mỗi nơi Bác đến đều để lại nhưng ấn tượng, tình cảm thiêng liêng.
21 giờ 21 phút: Chương trình nghệ thuật chuyển sang Chương III với chủ đề “Thái Nguyên - Sức sống mới, vận hội mới”, bắt đầu bằng ca khúc “Thái Nguyên thành phố hôm nay".
Thực hiện chỉ thị của Trung ương về học tập và làm theo Bác, trong những năm qua, Thái Nguyên đã có hàng nghìn tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Nhiều tấm gương điển hình, mô hình sáng tạo, hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực đã và đang tạo sức lan tỏa rộng rãi, góp phần cổ vũ, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực phấn đấu, đóng góp xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp…
Những thành quả đạt được đã khẳng định sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đó cũng chính là nền tảng, tiền đề vững chắc để Thái Nguyên tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra.
Thái Nguyên hôm nay đang tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ trên con đường cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội đã được Đảng và Bác Hồ lựa chọn. Tâm nguyện của Người đang được hiện thực hóa trên mảnh đất Thái Nguyên thân yêu.
21 giờ 27 phút: Ca khúc “Huyền thoại Hồ Núi Cốc”, âm nhạc: Phó Đức Phương.
21 giờ 29 phút: Ca khúc “Sơn nữ dâng trà”, sáng tác: Hiền Mặc Chất.
Thái Nguyên nổi tiếng với danh xưng ‘‘Đệ nhất danh trà’’, nơi nước biếc, non xanh, nơi Núi Cốc soi bóng Sông Công huyền thoại, chè Thái ngon bởi chăm sóc, chế biến và phương pháp pha trà độc đáo cùng thổ nhưỡng có nguồn vi chất phù hợp với cây chè. Hồ Núi Cốc ngày nay không chỉ là một huyền thoại mà còn là cảnh quan nổi tiếng nơi nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm về.
21 giờ 32 phút: Liên khúc hát múa “Chào mùa Xuân mới”, “Thái Nguyên đón chào ngày mới”, sáng tác: Hữu Xuân, Lê Tú Anh.
Vinh dự, tự hào được Bác Hồ nhiều lần về thăm. Tình cảm của Người dành cho Thái Nguyên là tài sản tinh thần vô giá, là động lực để Thái Nguyên không ngừng phấn đấu. 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên và đạt được nhiều thành tựu to lớn làm thay đổi diện mạo của tỉnh, mang lại sức mạnh mới, tạo tiền đề cho sự phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.
Chào đón Xuân mới năm 2024 với khí thế và khát vọng mới, Thái Nguyên quyết tâm xây dựng tỉnh “bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”, “Toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc” như lời căn dặn của Người.
21 giờ 38 phút: Chương trình Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên (01/01/1964 - 01/01/2024) kết thúc tốt đẹp. Lễ kỷ niệm đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và nhân dân cả nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin