Đầu tháng 12 này, khi phát hiện sự cố lưới điện tại xã Phúc Trìu, Điện lực TP. Thái Nguyên đã cử cán bộ kiểm tra và phát hiện đường dây điện cao thế bị nhiều cây keo của một gia đình đổ vào gây mất điện trên toàn xã.
Nhân viên Điện lực TP. Thái Nguyên chặt hạ cây cối vi phạm hành lang lưới điện tại xã Phúc Trìu để đấu nối điện ngay trong đêm. |
Trước sự việc trên, Điện lực TP. Thái Nguyên đã phối hợp với chính quyền địa phương đến tuyên truyền, vận động hộ dân chặt hạ những cây keo trong hành lang lưới điện. Tuy nhiên, gia đình này không nhất trí, đề nghị bồi thường số cây.
Sự việc này gây bức xúc trong nhân dân. Ông T.V.X, người dân xã Phúc Trìu, nói: Không thể để 1 cá nhân cố tình vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ khác như vậy. Tôi đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp mạnh với những trường hợp tương tự.
Trên đây chỉ là 1 vụ việc điển hình gây mất an toàn lưới điện tại TP. Thái Nguyên. Qua thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn thành phố còn nhiều trường hợp tương tự, có cây cối, công trình nằm trong hành lang lưới điện, trong đó có những trường hợp có nguy cơ gây sự cố cao. Nhiều hộ không chặt hạ cây cối mà đòi bồi thường, điều đó không đúng với quy định. Các xã, phường có nhiều trường hợp vi phạm là: Phúc Xuân, Phúc Trìu, Quang Vinh, Sơn Cẩm...
Theo quy định của Luật Điện lực, khoảng cách từ bất cứ bộ phận nào của công trình, cây cối đến dây dẫn điện gần nhất khi dây đang ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn 3m đối với đường dây có điện áp từ 10-35kV; 4m với điện áp 110kV; 6m với điện áp 220kV. Trong rất nhiều trường hợp vi phạm, có những gia đình không cho chặt hạ mà chỉ cho phép cắt tỉa dù cây nằm trong phạm vi có nguy cơ cao gây sự cố, họ yêu cầu phải bồi thường.
Những trường hợp như vậy, ngành Điện buộc phải theo dõi thường xuyên, phối hợp với chính quyền địa phương vận động gia đình để cắt tỉa. Việc người dân đòi hỏi bồi thường cây cối, công trình trong hành lang lưới điện là sai quy định, bởi tất cả các công trình, cây cối vi phạm như trên đều hình thành sau hạ tầng lưới điện.
Ông Lê Khương Duy, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu, cho biết: Trên địa bàn xã vẫn còn một số trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Xã đã nhiều lần đến tuyên truyền, vận động người dân chặt hạ cây cối nhưng họ không chấp hành, buộc địa phương phải phối hợp với ngành Điện cử nhân viên theo dõi, thực hiện cắt tỉa thường xuyên. Thời gian tới, ngoài việc tuyên truyền, vận động các hộ dân trồng cây, xây dựng công trình đảm bảo an toàn lưới điện, trường hợp nào còn cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ phối hợp thực hiện cưỡng chế, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian qua, những sự cố lưới điện do người dân trồng cây, xây dựng công trình hoặc có các hoạt động gây mất an toàn trong hành lang lưới điện trên địa bàn TP. Thái Nguyên nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung không phải ít. Cũng đã có trường hợp không may bị điện giật mà mang thương tật nặng cả đời.
Chính vì vậy, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương trong công tác tuyên truyền; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn lưới điện. Mọi người dân cần nâng cao ý thức, nhận thức trong việc đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin