Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước, vì quyền lợi của người dân và được Nhà nước bảo hộ. Nhân ngày BHYT Việt Nam (1-7), phóng viên (P.V) Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh về ý nghĩa của BHYT đối với người tham gia.
Hiện nay, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 47 cơ sở y tế. Trong ảnh: Hoạt động khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. |
P.V: Xin ông cho biết, lợi ích của người dân khi tham gia BHYT là gì?
Ông Nguyễn Hồng Trường: BHYT là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm chia sẻ gánh nặng khám, chữa bệnh (KCB) giữa người mạnh khỏe và người hay ốm đau; người giàu với người nghèo, thể hiện sự bình đẳng xã hội cũng như nâng cao sức khỏe cộng đồng. BHYT còn là một trong những chính sách an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Khi tham gia BHYT, người dân sẽ được Quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí KCB đúng tuyến. Trong nhiều trường hợp, người tham gia BHYT được trả đáng kể chi phí KCB, đặc biệt là đối với trường hợp bị tai nạn hay mắc bệnh hiểm nghèo.
P.V: Việc thực hiện chi trả chế độ cho người tham gia BHYT thời gian qua trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Trường: Mọi bệnh nhân tham gia BHYT khi đi KCB đều được phục vụ tận tình và được chi trả đầy đủ theo quy định. Hằng năm, BHXH trích Quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân tham gia BHYT với số tiền khá lớn. Đơn cử năm 2023, toàn tỉnh đã có hơn 1,9 triệu lượt người KCB BHYT, với tổng chi phí trên 1.501 tỷ đồng. Trong đó, chi KCB nội trú cho gần 302.660 lượt người, với số tiền gần 1.098 tỷ đồng; chi KCB ngoại trú cho trên 1,6 triệu lượt người, với số tiền trên 403 tỷ đồng.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân, hiện nay, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng KCB BHYT với 47 cơ sở y tế. Theo đó, các cơ sở y tế cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng KCB cho bệnh nhân khám BHYT, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đón tiếp người bệnh và công tác KCB.
P.V: Để mỗi người dân đều được hưởng chính sách BHYT, việc phát triển người tham gia BHYT được BHXH tỉnh thực hiện ra sao trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Hồng Trường: Những năm qua, BHXH tỉnh luôn nỗ lực khai thác, phát triển người tham gia BHYT, với các giải pháp cụ thể như: xây dựng kịch bản phát triển người tham gia BHYT hằng năm; đổi mới, đa dạng hóa các phương pháp tuyên truyền về chính sách BHYT tới người dân như: mở các hội nghị nhóm nhỏ, hội nghị khách hàng, hội nghị lồng ghép… Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, việc phát triển đối tượng tham gia BHYT đã đạt kết quả tích cực. Tính đến cuối tháng 5-2024, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là hơn 1,2 triệu người, với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 95% dân số.
P.V: Chắc hẳn việc thực hiện bao phủ BHYT toàn dân sẽ không tránh khỏi những khó khăn?
Ông Nguyễn Hồng Trường: Có thể nói, đây là nhiệm vụ không hề đơn giản. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên có 85 xã không còn thuộc vùng khó khăn. Điều này đồng nghĩa, trên 210 nghìn người dân không còn được Nhà nước hỗ trợ BHYT. Sau khi tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng, đến nay, đã có trên 15.000 người bị giảm thẻ theo Quyết định số 861 đã tham gia BHYT lại theo các nhóm đối tượng khác. Tuy nhiên, vẫn còn 60.000 người dân chưa tham gia lại, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi được chăm sóc sức khỏe của người dân, cũng như ảnh hưởng đến chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn tỉnh. Nguyên nhân một phần do người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người thuộc gia đình khó khăn, học sinh, sinh viên, người thuộc gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình... vẫn rất cần được hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương để được tham gia BHYT.
P.V: Vậy theo ông, đâu là những giải pháp mà BHXH tỉnh sẽ triển khai trong thời gian tới để hiện thực hóa mục tiêu BHYT toàn dân?
Ông Nguyễn Hồng Trường: Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người tham gia BHYT, đơn vị chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu phương án trình HĐND, UBND tỉnh hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương để mua thẻ BHYT cho một số đối tượng yếu thế trong xã hội; người dân không còn được hưởng chính sách BHYT theo Quyết định số 861, người sinh sống tại các xã/vùng ATK. Cùng với đó, tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của tỉnh thực hiện tốt chương trình “Tặng sổ thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn” để các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân chia sẻ giúp đỡ cho những người khó khăn được chăm sóc sức khỏe và giảm bớt gánh nặng kinh tế, ổn định cuộc sống khi không may bị ốm đau, bệnh tật.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin