Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, sẽ diễn ra trong hai ngày 26 và 27-6. Đây là kỳ họp quan trọng, thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trước thềm Kỳ họp, phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, về những nội dung liên quan.
Thời gian qua, việc khảo sát trước khi thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết được các ban của HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Ban Kinh tế - Ngân sách khảo sát tại một cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Phú Bình. |
P.V: Kỳ họp thứ 19 là kỳ họp thứ 3 của HĐND tỉnh kể từ đầu năm 2024 đến nay. Đồng chí có thể thông tin để cử tri và nhân dân nắm rõ hơn những nội dung trọng tâm của Kỳ họp?
Đ/c Mai Thị Thúy Nga: Kỳ họp thứ 19 của HĐND tỉnh là kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả; phân tích một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án 6 tháng đầu năm 2024; xem xét, thảo luận, quyết định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện trong 6 tháng cuối năm nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra...
Kỳ họp cũng sẽ xem xét, thông qua một số cơ chế, chính sách có tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân và đội ngũ cán bộ ở cơ sở, củng cố mối quan hệ truyền thống, tốt đẹp với các nước trong khu vực như: Hỗ trợ 100% tiền đóng học phí cho trẻ em mầm non học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập và học sinh THCS, THPT có đăng ký hộ khẩu thường trú tại 6 xã Nghinh Tường, Sảng Mộc, Vũ Chấn, Thần Sa, Thượng Nung, Cúc Đường của huyện Võ Nhai; miễn thu một số khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; quy định mức hỗ trợ, bồi dưỡng, trợ cấp và các mức chi khác cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quy định mức thu học phí; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; quyết định hỗ trợ kinh phí cho lưu học sinh Lào, Campuchia học tập tại các cơ sở đào tạo thuộc UBND tỉnh quản lý…
Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát nội dung các tờ trình thuộc thẩm quyền trước Kỳ họp thứ 19. |
P.V: Qua đánh giá cho thấy tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những tháng đầu năm 2024 tuy có tăng trưởng mạnh nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Vậy, HĐND tỉnh đã thể hiện vai trò như thế nào để đồng hành với UBND tỉnh phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của năm 2024 cũng như cả giai đoạn 2021-2025, thưa đồng chí?
Đ/c Mai Thị Thúy Nga: 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của nền kinh tế có độ mở lớn. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2024 cũng như các nhiệm vụ chính trị của năm và cả giai đoạn 2021-2025, HĐND tỉnh luôn đồng hành với UBND tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề, thông qua 23 nghị quyết về những vấn đề phát sinh trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở pháp lý, cũng như tháo gỡ, giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương thuộc thẩm quyền.
Vai trò đồng hành của HĐND tỉnh còn được thể hiện qua công tác phối hợp của các ban HĐND tỉnh với cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong quá trình xây dựng, chuẩn bị nội dung tại các kỳ họp.
Theo đó, các ban HĐND tỉnh chủ động tiếp cận, nghiên cứu, phối hợp và đồng hành với cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong suốt quá trình xây dựng nghị quyết, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng không đảm bảo điều kiện trình HĐND tỉnh vì lý do chất lượng dự thảo nghị quyết hoặc thủ tục trình tự không đảm bảo quy định.
Sau khi nghị quyết được ban hành, đại biểu HĐND tỉnh, các cơ quan của HĐND tiếp tục giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện, đảm bảo nghị quyết được triển khai hiệu quả trong thực tế, phát hiện những nút thắt, điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện để kiến nghị giải pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh thẩm tra các báo cáo trước Kỳ họp thứ 19. |
P.V: Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, tại Kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh có cách làm như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Mai Thị Thúy Nga: Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình theo hướng giảm thời gian nghe báo cáo, tờ trình, dành nhiều thời gian hơn cho phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, nhằm làm rõ những vấn đề được đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm.
Tiếp tục duy trì hoạt động thảo luận tổ trước và trong Kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh sẽ lựa chọn nội dung được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm để xác định nhóm vấn đề chất vấn và yêu cầu giải trình tại Kỳ họp, đảm bảo mang tính thời sự, mang hơi thở của cuộc sống, sát nội dung Kỳ họp.
Để phiên thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn đạt chất lượng, hiệu quả, chủ tọa Kỳ họp sẽ điều hành phiên họp đảm bảo khoa học, chặt chẽ, linh hoạt, sáng tạo và mang tính chủ động cao trên cơ sở gợi ý những nội dung trọng tâm, những vấn đề còn ý kiến khác nhau để đại biểu thảo luận, chất vấn. Yêu cầu UBND tỉnh và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trả lời chất vấn, giải trình ngắn gọn, rõ ràng, đúng trọng tâm, không vòng vo, né tránh, xác định rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục, thời hạn giải quyết. Kết quả thực hiện “lời hứa” sẽ được Thường trực HĐND tỉnh, các ban, các tổ và đại biểu HĐND tỉnh giám sát chặt chẽ.
P.V: Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri giữa hai kỳ họp là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan dân cử. Đồng chí có thể chia sẻ về cách thức giám sát của HĐND tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân?
Đ/c Mai Thị Thúy Nga: Việc giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Thường trực HĐND tỉnh tổ chức thường xuyên trước mỗi kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh. Để có đánh giá khách quan, sát, đúng kết quả giải quyết của UBND tỉnh, các ngành chức năng, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục duy trì yêu cầu các tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức giám sát, khảo sát thực tế tại nơi phát sinh ý kiến, kiến nghị để làm cơ sở đánh giá chất lượng giải quyết của UBND tỉnh, các địa phương, cơ quan có liên quan.
Trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, trong đó đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả giải quyết, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, xác định những ý kiến, kiến nghị cần tiếp tục chỉ đạo giải quyết để theo dõi, giám sát kết quả thực hiện của UBND tỉnh, các ngành chức năng.
Nhờ đó, UBND tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri kéo dài qua nhiều kỳ họp đã được giải quyết dứt điểm, đáp ứng ngày càng tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của cử tri, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin