Tháo gỡ vướng mắc trong san gạt mặt bằng

Dương Hưng 09:23, 21/07/2024

Trong quá trình xây dựng nhà ở của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương có nhiều đồi núi, lượng đất dư thừa thường phát sinh lớn. Theo Luật Khoáng sản, đất là khoáng sản dùng làm vật liệu san lấp thông thường, các hộ không thể vận chuyển ra khỏi thửa đất nên gây khó khăn trong việc san gạt mặt bằng. Để làm rõ hơn vấn đền này, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Khu vực đất thổ cư của gia đình bà Ngô Thị Văn, ở xóm Tiền Phong 2, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) không thể san gạt mặt bằng để xây dựng nhà.
Khu vực đất của gia đình bà Ngô Thị Văn (ở xóm Tiền Phong 2, xã Khe Mo, Đồng Hỷ) không thể san gạt mặt bằng để xây dựng nhà.

P.V: Hiện nay, việc vận chuyển đất thừa của người dân ra khỏi thửa đất để cung cấp cho các công trình, dự án khác có những vướng mắc như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Quang Minh: Theo quy định của Luật Khoáng sản, đất san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đất san lấp là của UBND tỉnh. Hình thức cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản (nơi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản khi đáp ứng các tiêu chí tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP).

Thành phần hồ sơ và trình tự thủ tục thực hiện phải theo các bước quy định của pháp luật về khoáng sản, như: đấu giá, thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập dự án đầu tư, lập báo cáo tác động môi trường (ĐTM), xin cấp quyết định chủ trương đầu tư…

Tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản phải đáp ứng các quy định tại Khoản 2 Điều 53 Luật Khoáng sản (có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng; có báo cáo ĐTM hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường; có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% vốn đầu tư dự án). Cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản đất san lấp là Sở Tài nguyên và Môi trường.

P.V: Vậy ông có thể cho biết, thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền cấp xã, huyện khi người dân cần san gạt mặt bằng, vận chuyển đất dư thừa cho các công trình, dự án khác như thế nào?

Ông Lê Quang Minh: Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về thẩm quyền cấp xã, cấp huyện khi người dân cần phải san gạt mặt bằng. Tuy nhiên, vì đất san lấp là khoáng sản, Khoản 2, 3 Điều 18 Luật Khoáng sản có quy định về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND cấp huyện và cấp xã.

Cụ thể, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản tại địa phương; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

P.V: Hầu hết người dân không có chỗ đổ thải (đất thừa khi san gạt mặt bằng), muốn đưa đất vào san lấp công trình, dự án khác thì phải thực hiện những thủ tục gì, thưa ông?

Ông Lê Quang Minh: Trường hợp khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của gia đình, cá nhân trong diện tích đó thì cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản (được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản).

Hiện, chưa có quy định về thủ tục cấp phép vận chuyển đất dư thừa trong quá trình san gạt, tạo mặt bằng để xây dựng nhà ở của người dân. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản báo cáo, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về vướng mắc này. Theo đó, Bộ đã ghi nhận ý kiến để tổng hợp, đưa vào nội dung đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian tới.

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã có nhiều văn bản đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nội dung đề nghị là xác định đất san lấp không phải là khoáng sản hoặc quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với đất san lấp; phân cấp, phân quyền về cấp phép khai thác đất san lấp về cho UBND cấp huyện…

P.V: Xin cảm ơn ông!