Cần chung tay bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu

03:21, 04/05/2008

Sông Cầu có tổng chiều dài các nhánh khoảng 1.600km, tổng lượng nước khoảng 4,5 tỷ m3/năm, chảy qua các tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương.  Dòng sông này đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng của nước thải sinh họat và các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, khai khoáng…

Lưu vực sông (LVS) Cầu có 3 vùng sinh thái: Đồng bằng, trung du và miền núi. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, LVS Cầu tiếp nhận nước thải của 6 tỉnh mà con sông chảy qua. Nước mặt tại vùng trung lưu và hạ lưu hiện đang bị ô nhiễm cục bộ bởi một số chất gây ô nhiễm hữu cơ, chất rắn và dầu mỡ. Đoạn sông Cầu trước khi chảy vào T.P Thái Nguyên bắt đầu chịu tác động của các hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản (vàng, than), sản xuất nông nghiệp nhưng mức độ ô nhiễm chưa đáng kể.

Đoạn sông Cầu chảy qua T.P Thái Nguyên tiếp nhận nước thải của Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn, Khu Gang thép Thái Nguyên và nước thải sinh hoạt, các thông số về ô nhiễm môi trường nước đều vượt tiêu chuẩn Việt Nam từ 2-3 lần, nước sông đục, có mùi dầu cốc. Phần hạ lưu sông Cầu chảy qua địa phận 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đã bị ô nhiễm hữu cơ tương đối nghiêm trọng và tại đây còn tiếp nhận nước của sông Cà Lồ (Bắc Giang), sông Ngũ (huyện Khê, Bắc Ninh)… là những dòng sông đang bị ô nhiễm.

Hoạt động phát triển kinh tế- xã hội trên LVS Cầu đã tác động rất lớn đến chất lượng nước sông. Ở các tỉnh: Bắc Kạn, Bắc Giang và các vùng thuần nông khác, tác nhân gây ô nhiễm nước sông chủ yếu do nước thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Còn ở các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước chủ yếu do nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, các làng nghề và đô thị.

Theo thống kê chưa đầy đủ thì đến nay LVS Cầu chịu ảnh hưởng của hơn 2.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp (luyện kim, chế biến thực phẩm, chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng), trong đó các khu công nghiệp và nhà máy lớn tập trung ở Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang. Nước thải từ các cơ sở khai thác và tuyển quặng, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm nguồn nước sông Cầu chiếm tỷ lệ cao (55%), ngành luyện kim chiếm 29%, ngành giấy 7%... Hầu hết các mỏ khai thác đều không có hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra. Mỗi ngày có khoảng 16.000m3 nước thải /ngày từ luyện kim, cán thép, chế tạo thiết bị máy móc thải ra môi trường và chảy vào lưu vực sông Cầu.

Cùng với đó, chất thải rắn và lỏng từ hoạt động của khoảng 200 làng nghề như sản xuất giấy, nấu rượu, mạ kim loại, tái chế phế thải; chất thải của trên 70 bệnh viện với lượng nước thải y tế ước tính 5.400 m3/ngày… ở các tỉnh LVS Cầu cũng đã và đang “góp phần” làm cho môi trường LVS Cầu thêm ô nhiễm và ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường, hệ sinh thái, nền kinh tế, sức khoẻ con người...

Trước thực trạng đó, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sinh thái cảnh quan LVS Cầu và thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường LVS Cầu do đồng chí Phạm Xuân Đương, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên làm Chủ tịch và các thành viên là đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh LVS Cầu; đại diện có thẩm quyền của các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện Đề án. Tại Quyết định thành lập Ủy ban Bảo vệ môi truờng LVS Cầu đã nêu rõ 10 nhiệm vụ và quyền hạn mà Ủy ban phải thực hiện: Tổ chức và hướng dẫn thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sinh thái cảnh quan LVS; điều phối và giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng; cung cấp thông tin về môi trường trong triển khai Đề án trên; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt…

Đề án được thực hiện với quan điểm bảo vệ môi trường LVS Cầu là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên; bảo vệ toàn lưu vực theo địa giới hành chính; lấy phòng ngừa, chống suy thoái môi trường là chính; khắc phục tình trạng khai thác cát sỏi trong lòng sông không theo quy hoạch; đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác giữ sạch môi trường… Phấn đấu đến 2020 đưa sông Cầu trở lại trong sạch, đảm bảo cân bằng nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội.

Để đạt được mục tiêu trên, theo cơ quan chức năng cần thực hiện các giải pháp ưu tiên bảo vệ môi trường LVS Cầu đó là: Xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm nước (các nguồn nước thải công nghiệp, làng nghề, sinh hoạt); kiểm soát chặt chẽ khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng (đoạn sông Cầu chảy qua T.P Thái Nguyên; đoạn sông Công chảy qua T.X Sông Công (Thái Nguyên); đoạn cuối sông Cà Lồ; đoạn sông Ngũ (huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh); nghiên cứu các phương án bổ sung nguồn nước cho lưu vực sông; đẩy mạnh hoạt động quan trắc và thông tin môi trường; nâng cao năng lực về tổ chức, nguồn nhân lực, tài chính cho các cơ quan chuyên trách bảo vệ môi trường…

Mỗi người trong chúng ta, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả mỗi ngày, cũng cần chung tay góp sức để bảo vệ con sông chảy qua quê hương mình, trả lại nguồn nước sạch cho dòng sông này.