Cảnh báo về phát sinh hộ nghèo mới
2 năm gần đây, Thái Nguyên được đánh giá rất cao trong công tác xoá đói giảm nghèo vì bình quân mỗi năm, tỉnh có trên 3% số hộ thoát nghèo (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,5% trở lên). Tính đến tháng 1-2008, Thái Nguyên còn 20,69%.
Có được kết quả trên là do tỉnh ta đã triển khai đồng bộ các giải pháp giúp đỡ hộ nghèo như: Có chính sách tín dụng ưu đãi; khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hỗ trợ phát triển ngành nghề; hỗ trợ về y tế, giáo dục; hỗ trợ đất ở, nhà ở và nâng cao đời sống sinh hoạt... Đặc biệt, công tác xoá đói giảm nghèo đã được sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đoàn thể, nhân dân trong tỉnh và sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, gần đây số hộ nghèo mới phát sinh trên địa bàn có dấu hiệu gia tăng và đây là vấn đề đáng lo ngại.
Về vấn đề này, đồng chí Lê Ngọc Liên, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động- Thương Binh và Xã hội) cho biết: “Số hộ nghèo mới phát sinh là có thực bởi mức độ chia tách hộ tại Thái Nguyên rất cao. Tính từ thời điểm đầu năm 2005 đến hết tháng 12-2007, trên địa bàn tỉnh đã tăng 11.204 hộ và trong số hộ mới chia tách này thì phần lớn là hộ nghèo. Cùng với đó là trong 2 năm qua đã có thêm 1.228 hộ nghèo do gặp phải thiên tai, ốm đau, bệnh tật và một số lý do bất khả kháng khác (chiếm 1,8% tổng số hộ nghèo của tỉnh)...”. Nếu đem so sánh với con số 13.096 hộ thoát nghèo trong 2 năm 2006 và 2007 thì số hộ nghèo mới phát sinh trên địa bàn tỉnh là không thấp. Và theo nhận định của một số cán bộ làm công tác này do giá vật tư phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, các mặt hàng thiết yêu phục vụ nhu cầu của nhân dân tăng cao nên khả năng số hộ nghèo mới phát sinh là điều khó tránh.
Giải quyết chế độ cho đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam
Thái Nguyên hiện có trên 8.300 đối tượng bị ảnh hưởng chất độc hoá học cần phải giám định xác định mức độ suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ chính sách, trong đó 7.486 người trực tiếp tham gia kháng chiến và 820 con đẻ của họ. Trong số những người trực tiếp tham gia kháng chiến có trên 3.000 người là thương binh, bệnh binh, người mất sức lao động không phải qua thông qua Hội đồng giám định Y khoa (HĐGĐYK). Như vậy, chỉ còn khoảng 4.500 người cần phải hoàn tất hồ sơ để thông qua HĐGĐYK xác định mức độ suy giảm khả năng lao động. Từ tháng 7-2007 đến nay, toàn tỉnh mới kiểm tra thẩm định được trên 2.700 hồ sơ, trong đó ra quyết định hưởng chế độ và chuyển về địa phương thực hiện chính sách được khoảng 700 người; khoảng 1.100 người đã có kết quả của HĐGĐYK và niêm yết công khai danh sách ở địa phương (đồng thời ra quyết định đối với những trường hợp đủ điều kiện).
Theo đồng chí Vũ Văn Mão, Trưởng phòng Chính sách Người có công (Sở Lao động - TB và XH) thì: Thái Nguyên còn khoảng 1.800 đối tượng cần phải kiểm tra hồ sơ chuyển HĐGĐYK cấp tỉnh đối với người bị ảnh hưởng chất độc hoá học. Để đẩy nhanh tiến độ, chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo Sở cho phép tuyển 2 lao động hợp đồng để tăng cường. Giải quyết chế độ cho những người bị ảnh hưởng chất độc hoá học chỉ là phần việc kiêm nhiệm ngoài 14 đầu việc chính của 6 cán bộ thuộc Phòng Chính sách- Người có công. Chúng tôi rất tâm huyết và quyết tâm hoàn thành trong thời gian sớm nhất nhưng cũng rất cần sự quan tâm thực hiện có trách nhiệm của các cấp, các ngành để các đối tuợng đỡ thiệt thòi.
Nên kéo dài thời gian sử dụng thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo
Sai hỏng, cấp trùng thẻ là 2 vấn đề làm đau đầu, khó chịu cho nhiều đơn vị, cá nhân liên quan đến việc cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, người ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
*Chuyện cũ nói lại
Thực hiện Quyết định 139/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc khám chữa bệnh cho người nghèo, từ năm 2006, mỗi năm tỉnh ta cấp khoảng 300 nghìn thẻ cho hai đối tượng là người nghèo và người trong vùng đặc biệt khó khăn (135). Tuy nhiên, ngay sau khi thực hiện, vấn đề cấp thẻ BHYT sai, chậm, trùng thẻ làm ảnh hưởng đến khám, chữa bệnh của người nghèo đã được phản ánh khá gay gắt. Báo chí của tỉnh đã có một số bài phản ánh, phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp khắc với mong muốn giảm thiểu sai sót cho năm sau. Vậy mà, lỗi cũ vẫn lặp lại.
* Lỗi ở khâu nào?
Theo quy định, ngoài công đoạn viết tay theo phiếu điều tra ở cấp xóm (thôn, bản), các công đoạn còn lại đều thực hiện trên máy vi tính, chuyển danh sách đồng thời chuyển đĩa mềm, sự sai sót do "tam sao thất bản" được hạn chế. Vậy sao tình trạng sai sót, trùng lẫn vẫn xảy ra?.
Bên cạnh một số nguyên nhân như trình độ của nhiều trưởng thôn, trưởng bản còn hạn chế, viết chữ "tác" thành chữ "tộ" khiến cho người nhập văn bản sau sai theo; thêm nữa, mỗi phiếu điều tra có đến 208 thông tin, chỉ cần lơ đễnh đánh dấu nhầm là sai lệch.... , qua tìm hiểu tại 3 đơn vị có liên quan ở cấp tỉnh là BHXH, Sở LĐ-TB&XH, Ban Dân tộc, người viết bài này thấy nổi lên một số nguyên nhân khác:
Về thẻ sai: Theo ông Lê Ngọc Liên, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB&XH) thì trước đây, danh sách một số huyện đưa lên sai sót nhiều nên Sở đã trả về các huyện, yêu cầu rà soát lại, sau 15 ngày thì gửi danh sách đã rà soát lên Sở. Thế nhưng, có huyện rà soát không tốt nên sai sót trong còn nhiều. Thêm nữa, danh sách sau khi đã được chỉnh sửa, bổ sung chính xác cao hơn chuyển sang BHXH để in thẻ, nhưng không được BHXH lưu lại, năm sau lại tiếp tục in theo danh sách ban đầu nên những lỗi của năm trước vẫn bị lặp lại.
Về thẻ trùng: Theo ông Nguyễn Văn Thái, Phó trưởng Ban Dân tộc (Sở Nội vụ) thì hiện nay Ban Dân tộc chịu trách nhiệm cấp thẻ cho người dân không thuộc diện nghèo của vùng 135, còn người thuộc diện nghèo lại do Sở LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm. Do sơ xuất từ cơ sở, nhiều trường hợp một người lại có tên ở cả hai danh sách nên dẫn đến trùng thẻ. Còn ông Lê Ngọc Liên thì cho rằng một người còn có thể có đến 3 thẻ nếu người đó vừa ở vùng 135, vừa là người nghèo, vừa là cựu chiến binh vì hiện nay Hội cựu chiến binh lập danh sách lên thẳng BHXH chứ không qua rà soát ở Sở. Phần mềm làm thẻ của BHXH tỉnh có khả năng gạt ra những người đã có dữ liệu trùng, nhưng không hiểu tại sao có người được cấp đến 3 thẻ, thậm chí đến 4 thẻ như một người dân ở xã Cúc Đường (Võ Nhai)?
* Đôi điều kiến nghị
Không thể phủ nhận được sự cố gắng của ba đơn vị nói trên trong việc cấp thẻ BHYT cho người nghèo. Để in và đưa thẻ về cơ sở kịp thời, các cán bộ của ba nơi này phải làm việc không quản giờ giấc, ngày nghỉ. Người đến đổi thẻ, làm bổ sung được đáp ứng ngay, không chút phiền hà. Nhưng những gập gợi và sai sót vẫn là thực tế.
Qua thu thập ý kiến của những người trong cuộc và bằng suy nghĩ cá nhân, người viết bài này xin đưa ra vài ý kiến nhằm hạn chế sai sót trong lần cấp thẻ BHYT năm tới.
Thứ nhất, tất cả thẻ cho người dân ở vùng 135 (cả nghèo và không nghèo) giao cho một đơn vị đảm nhiệm, vì cả hai loại thẻ BHYT này đều chung mệnh giá, không khác chút gì về quyền lợi sử dụng. Việc "xé lẻ" như hiện nay dễ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót.
Thứ hai, việc điều tra ban đầu nên huy động lực lượng sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng tham gia, sẽ tránh tối đa sai sót.
Thứ ba, nên kéo dài thời hạn sử dụng thẻ BHYT lên 2 năm, vừa đỡ khổ cho người sử dụng thẻ, vừa đỡ tốn kém tiền của, công sức cho cơ quan quản lý, thực hiện. Bởi vì theo quy định của nhà nước, ngay cả khi đã thoát nghèo, thì người dân đó vẫn được hỗ trợ hết thời hạn của BHYT để thoát nghèo bền vững.
Vé vào cổng Khu du lịch hồ Núi Cốc là quá cao
Phùng Thu Hiền, GV Trường THCS Cao Ngạn (Đồng Hỷ.
Trong thời gian gần đây, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nhận thấy giá vé vào cổng tham quan Khu du lịch hồ Núi Cốc 30.000 đồng/người là bất hợp lý.
Ngày 3-7-2008, tôi lại được đọc bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đình Bàng, Tỉnh uỷ viên, Uỷ viên Trường trực HĐND tỉnh trên báo Thái Nguyên về đề nghị tạm miễn thu phí vào Khu du lịch hồ Núi Cốc. Những tưởng mọi việc đã thay đổi, nên cuối tuần vừa qua tôi đưa cả gia đình và rủ thêm gia đình người bạn cùng đi vào Khu du lịch hồ Núi Cốc để vui chơi. Nhưng thực tế chúng tôi vẫn phải mua vé vào cổng với giá 30.000 đồng/người. Chẳng nhẽ mất công vào đến nơi lại quay về nên chúng tôi đành ngậm ngùi mua vé vào cổng mà lòng không được vui, dù chị bán vé đã giải thích rằng "giá vé vào cổng theo quy định là 10.000 đồng/người, nhưng chị phải mua thêm một vé xem chương trình nhạc nước với giá 20.000 đồng/người là bắt buộc". Vậy là chỉ cần qua cổng đoàn chúng tôi gồm 8 người đã mất 240.000 đồng tiền vé, chẳng còn tâm trạng đâu mà thăm thú cảnh đẹp. Chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền nên xem xét đưa ra mức giá vé phù hợp, để mọi người dân dù có đời sống kinh tế khá giả hay còn khó khăn cũng đều có thể vào tham quan Khu du lịch Hồ Núi Cốc nổi tiếng. Còn các dịch vụ vui chơi giải trí khác nên để khách tham quan lựa chọn tuỳ theo sở thích và khả năng tài chính của mỗi người.
Đề nghị tỉnh hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Công ty CP Bê tông- Xây dựng Thái Nguyên
Ông Dương Đình Tập, Chủ tịch HĐQT- TGĐ Công ty CP Bê tông- Xây dựng Thái Nguyên.
Thực hiện Quyết định số 1457/QĐ-UB ngày 14-7-2007 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Dự án Hồ điều hòa Xương Rồng; căn cứ Công văn số 841/UBND-SXKD ngày 11-7-2007 của UBND tỉnh và Thông báo số 249/ TB-UBND ngày 23-7-2007 của UBND T.P Thái Nguyên về việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư… bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án, chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên đã hợp tác chặt chẽ với Ban đền bù giải phóng mặt bằng T.P Thái Nguyên để kiểm đếm, kê khai toàn bộ diện tích đất sử dụng và tài sản trên đất của Công ty, đồng thời tháo dỡ toàn bộ nhà xưởng, thiết bị máy móc và một phần nhà kho, văn phòng để di chuyển về khu sản xuất mới tại Cụm công nghiệp số II- phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên. Nhờ đó, Công ty đã nhanh chóng bàn giao trên 10.000 m2 đất (chiếm trên 1/3 quỹ đất của Công ty đang sử dụng) mặt bằng, tạo điều kiện cho Thành phố và Công ty INTRA-Việt Nam tiến hành lễ khởi công Dự án Hồ điều hòa Xương Rồng vào đầu tháng 8-2007.
Sau một năm tiến hành di chuyển, Công ty đã đầu tư trên 30 tỷ đồng đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng, lắp đặt thiết bị sản xuất tại Cụm công nghiệp số II, trong khi đó, ngoài việc được ứng 600 triệu đồng bồi thường và hỗ trợ di chuyển, số tài sản và gần 2/3 phần đất còn lại hiện nay của công ty (nằm trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án Hồ điều hoà Xương Rồng) Công ty vẫn phải trông coi, bảo quản do T.P Thái Nguyên chưa có quyết định thu hồi đất, chưa đền bù tài sản trên đất… Chính những lý do đó đã gây rất nhiều khó khăn về vốn và những chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty… Hiện Công ty đã làm nhiều công văn gửi UBND tỉnh, Thành phố và các cơ quan chức năng đề nghị sớm làm thủ tục thu hồi đất, đền bù đất và tài sản trên đất của Công ty theo quy định hiện hành của Nhà nước để Công ty bàn giao toàn bộ đất thực hiện Dự án.
Nếu tỉnh và Thành phố không có nhu cầu sử dụng nữa thì cần phải sớm trả lời để Công ty tiếp tục lập phương án tu sửa lại nhà xưởng, lắp đặt thiết bị và triển khai sản xuất kinh doanh nhằm phát huy hiệu quả của quỹ đất theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Xem xét lại khoản tiền bị trừ để đóng bảo hiểm xã hội
Lê Thị Giang, GV Trường mầm non xã Phúc Tân (Phổ Yên)
Từ năm 1999 đến nay, tôi là giáo viên hợp đồng ngoài biên chế tham gia giảng dạy tại Trường mầm non xã Phúc Tân (Phổ Yên). Gần 10 năm qua, tôi được hưởng lương từ nguồn học phí do dân đóng góp trên địa bàn (có điều chỉnh hàng năm theo mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định), cuộc sống của gia đình vô cùng chật vật, đặc biệt là từ năm 2006, khi vợ chồng tôi sinh cháu đầu lòng thì lại càng khó khăn. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khoá XI, nhiệm kỳ 2004-2009 đã ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ chế độ xã hội đối với giáo viên mầm non hợp đồng ngoài biên chế và được thực hiện từ 1-1-2008 với mức hỗ trợ theo vùng, miền.
Tuy nhiên, phải đến đầu tháng 7 này mới được nhận tiền phụ cấp này. Tuy chỉ được thêm 500.000 đồng/tháng nhưng tôi cảm thấy rất mừng và yên tâm công tác. Nhưng khi được lĩnh số tiền phụ cấp này, tôi lại bị trích 23% trong tổng số tiền lương để nộp tiền bảo hiểm. Như trường hợp của tôi, tính ra cộng cả lương và tiền phụ cấp được 1.040.000 đồng/tháng, trừ đi gần 240.000 đồng tiền bảo hiểm thì mỗi tháng tôi thực lĩnh 800.000 đồng (tăng 260.000 đồng so với trước). Trước đây, khoản tiền bảo hiểm trên nhà trường đóng cho chúng tôi, từ khi chúng tôi được nhận thêm phụ cấp thì nhà trường lại cắt không đóng khoản này và chúng tôi phải tự đóng. Đề nghị các ngành chức năng xem xét lại vấn đề này để các giáo viên như tôi đỡ khó khăn…
Cần có chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, xóm
Ông Lê Huy Vui, tổ trưởng TDP 3, phường Phố Cò, T.X Sông Công
Tổ dân phố 3 hiện có trên 140 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu. Tôi được bầu làm Tổ trưởng dân phố từ vài năm nay. Trong khi công việc của dân mà tổ trưởng phải giải quyết hàng ngày thì nhiều nhưng quyền lợi lại được hưởng chưa tương xứng. Được biết, tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khoá XI, nhiệm kỳ 2004-2009 đã ban hành Nghị quyết về việc quy định số lượng, chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn và thực hiện từ ngày 1-1-2008. Về chế độ phụ cấp đối với các chức danh cán bộ không chuyên trách ở xóm, tổ dân phố thuộc xóm, tổ dân phố loại 1 được hưởng chế độ phụ cấp hệ số 0,5 mức lương tối thiểu; thuộc xóm, tổ dân phố loại 2 được hưởng hệ số 0,4 mức lương tối thiểu; thuộc xóm, tổ dân phố loại 3 được hưởng hệ số 0,3 mức lương tối thiểu. Chiếu theo mức hỗ trợ trên thì tôi được hưởng hệ số 0,4 mức lương tối thiểu nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn chưa được nhận khoản phụ cấp này và không biết tại sao. Đề nghị các cơ quan có liên quan của tỉnh, T.X Sông Công xem xét lại, nếu có vướng mắc thì vướng mắc ở đâu?