Ngày 29-7, Thường trực Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thường kỳ tháng 7, thảo luận và cho ý kiến vào một số vấn đề quan trọng.
Đó là: Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng đất cho các dự án và quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước trong chi tiêu, mua sắm tài sản, chủ trương giải quyết số lao động hợp đồng trong ngành Giáo dục-Đào tạo và ngành Y tế. Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
Đánh giá của UBND tỉnh về công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2008 cho thấy, tình trạng khai thác trái phép đã giảm rất nhiều so với trước, hiện tượng tranh mua, tranh bán cơ bản không còn, các doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động quy củ, một số đơn vị đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu khoáng sản.
Hoạt động quản lý Nhà nước của các ngành, địa phương về tài nguyên khoáng sản có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ một số tồn tại cần khắc phục: Mục tiêu chấn chỉnh và lập lại trật tự đối với các hoạt động khoáng sản chưa bền vững; việc rà soát, bổ sung các văn bản pháp quy về quản lý khoáng sản chưa kịp thời; việc quy hoạch các loại khoáng sản còn hạn chế; các cơ chế bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương có khoáng sản chậm được triển khai... Cũng về nội dung này, huyện Võ Nhai có báo cáo đánh giá công tác quản lý khoáng sản, nhất là tình trạng đang “nóng” lên ở vùng vàng sa khoáng Bản Ná, xã Thần Sa.
Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nghe báo cáo của Đoàn kiểm tra về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng đất cho các dự án và sử dụng ngân sách Nhà nước trong chi tiêu, mua sắm tại 3 Đảng bộ là: Đảng bộ huyện Phổ Yên, Đảng bộ T.X Sông Công, Đảng bộ Sở Tài nguyên-Môi trường và tổng hợp báo cáo của các Đảng bộ trực thuộc.
Qua đó cho thấy, từ năm 2006 đến hết 2007, UBND tỉnh đã giao đất không thu tiền sử dụng đất cho 196 dự án với tổng diện tích trên 5,6 triệu m2; cho thuê đất được 79 dự án với trên 3,6 triệu m2. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước của một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc. Hiện nay, tổng số nợ tiền thuê đất và tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp đã lên đến trên 44 tỷ đồng. Cũng trong hai năm này, Sở Tài nguyên-Môi trường đã tiến hành thanh tra 54 cuộc về đất đai và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính gần 52 triệu đồng, đề nghị thu hồi 8.650,4m2 đất. Việc triển khai thực hành tiết kiệm chi ngân sách đã cơ bản rộng khắp. Tuy nhiên, cá biệt vẫn còn một vài đơn vị chậm triển khai và chưa có báo cáo kết quả.
Báo cáo của Sở Nội vụ về chủ trương giải quyết số lao động hợp đồng nhiều năm trong hai ngành Giáo dục-Đào tạo và Y tế đã đề xuất các giải pháp hợp lý. Trong đó, ngoài thực hiện theo các văn bản, quy định hiện hành của Nhà nước đối với từng vị trí cần tuyển dụng còn bổ sung thêm các điều kiện mới của tỉnh.
Sau khi các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thảo luận, đưa ra những ý kiến đóng góp, xây dựng đối với từng nội dung cụ thể, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã có ý kiến cuối cùng.
Về vấn đề quản lý khoáng sản, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã chỉ rõ những việc đã làm được và những tồn tại cần khắc phục. Đồng thời yêu cầu: Cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, biểu dương những đơn vị làm tốt, phê bình những tập thể, cá nhân vi phạm. Đẩy mạnh việc kiểm tra, phát hiện xử lý các trường hợp làm sai. Cần thiết phải luân chuyển cán bộ ở một số vị trí nhạy cảm trong các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là các trường hợp đang có dư luận không tốt hoặc có dấu hiệu vi phạm.
Yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn chấp hành nghiêm Luật Khoáng sản, thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, an toàn lao động và nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước. Ưu tiên các doanh nghiệp đã được cấp mỏ, đủ năng lực xây dựng nhà máy chế biến sâu khoáng sản. Các ngành chuyên môn tiến hành kiểm tra định kỳ 6 tháng và một năm một lần đối với các doanh nghiệp khai khoáng, nếu có vi phạm thì tuỳ theo mức độ có thể thu hồi giấy phép hoạt động.
Đối với huyện Võ Nhai, cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý khoáng sản. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng cơ bản nhất trí với những đề nghị của huyện về thăm dò, tiến tới xây dựng đề án khai thác khoáng sản; giải quyết các tranh chấp và dành kinh phí cho công tác truy quét, chốt giữ các điểm diễn ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo: Chú trọng hơn nữa đến công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch quản lý, sử dụng đất, quy hoạch xây dựng trên địa bàn từ nay đến năm 2010. Rà soát lại các doanh nghiệp đã được giao đất, nhất là các doanh nghiệp sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản về tiết kiệm chi trong nội bộ, thống nhất và triển khai thực hiện toàn tỉnh. Tạm dừng các cuộc tham quan, nghiên cứu, học tập ở nước ngoài và các tỉnh phía Nam.
Cho ý kiến về việc giải quyết số lao động hợp đồng trong ngành Giáo dục-Đào tạo và Y tế, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhất trí với phương án xét tuyển biên chế dựa trên các quy định hiện hành của Nhà nước cộng với các điều kiện xét tuyển của tỉnh. Đồng chí cũng yêu cầu hai ngành bám sát các tiêu chuẩn quy định đối với từng chức danh, đảm bảo tính công khai, dân chủ và đúng năng lực từng người khi tiến hành xét tuyển. Các sở, ngành liên quan xây dựng quy chế xét tuyển dựa trên các quy định hiện hành. Sau đó mới tổ chức xét tuyển đợt 1 năm 2008.
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lần này cũng đã nghe lãnh đạo Công an tỉnh báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 (khoá IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.