Chuyển biến quá chậm!

03:56, 09/07/2008

Mặc dù báo chí thời gian qua nói khá nhiều về vấn đề chậm tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, nhưng dường như sự biến chuyển là không nhiều. Vẫn còn tới khoảng 50% dự án trọng điểm của tỉnh nằm trong tình trạng “rùa bò”. Đây là vấn đề bức thiết mà cử tri đặc biệt quan tâm muốn đặt lên bàn nghị sự kỳ họp HĐND tỉnh lần này.


Không ít chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công phải khóc dở, mếu dở vì tốn kém khi dự án chậm tiến độ, nhất là trong giai đoạn giá cả nguyên, vật liệu biến động chóng mặt như hiện nay. Hầu hết các dự án mà báo chí nêu trong thời gian qua giờ kiểm lại vẫn chưa có sự chuyển biến nào rõ rệt. Phải chăng việc quản lý, điều hành và thực hiện dự án của các địa phương, ngành và chủ đầu tư chưa được xem trọng? Những tên dự án, công trình trọng điểm có tiến độ quá chậm thời gian qua đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng trong bài viết này vẫn không thể không nhắc đến, đó là: Dự án xây dựng Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc; Trung tâm thương mại Thái Nguyên; Dự án Hồ điều hoà Xương Rồng và Khu đô thị mới; Dự án thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên; Dự án năng lượng nông thôn II...

Dự án thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên có tổng đầu tư 580 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 342 tỷ đồng, vốn đối ứng là 238 tỷ đồng. Dự án này đã được triển khai từ nhiều năm nay và được xem là Dự án...“lập kỷ lục” về chậm tiến độ. Sau nhiều thời gian, giờ đây Dự án mới đang thực hiện lập thiết kế kỹ thuật và mới thống kê đền bù GPMB xong khu vực Nhà máy xử lý nước thải, đang triển khai xây dựng Nhà điều hành Ban quản lý Dự án. Đến nay, Dự án mới giải ngân được gần 876.000 EURO vốn ODA và trên 7,9 tỷ đồng vốn đối ứng. Để góp phần tháo gỡ khó khăn, mới đây UBND tỉnh có công văn đề nghị được kéo dài thời hạn giải ngân Dự án đến hết năm 2010.

Dự án năng lượng nông thôn II (REII) triển khai tại Thái Nguyên cách đây 4 năm, nhưng bị đánh giá là chậm nhiều so với các tỉnh, thành có cùng thời điểm triển khai. Dự án này đến nay mới giải ngân được một lượng không đáng kể so với tổng dự toán trên 136 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Dự án sẽ kết thúc vào năm 2010. Như vậy, khoảng thời gian chưa đầy 3 năm sẽ là áp lực rất lớn cho việc hoàn thành giải ngân Dự án có quy mô lớn này.

Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc có giá trị đầu tư trên 175 tỷ đồng, nhưng từ năm 2003 đến nay, Dự án này mới giải ngân được 5 tỷ đồng. Vướng mắc không còn xuất phát từ phía các hộ dân như đa phần các dự án gặp khó khăn khác mà lại rơi vào hai tập thể: HTX Thuỷ tinh Dân Chủ và HTX Đại Thắng. Hai HTX này chưa nhận tiền đền bù và di chuyển đi nơi khác với lý do không chấp nhận khu tái định cư do UBND T.P Thái Nguyên đề nghị. Họ yêu cầu, khu tái định cư phải đầy đủ hạ tầng đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hai HTX trên hiện không tổ chức sản xuất tại địa điểm phải di rời, một phần đất đang bỏ không và một phần để bầy bán hàng thuỷ tinh. UBND thành phố đã yêu cầu hai HTX trên xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh để làm căn cứ lựa chọn khu tái định cư cho phù hợp, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai.

Dự án Trung tâm thương mại Thái Nguyên được tỉnh chấp thuận đầu tư từ tháng 3-2006, kế hoạch khởi công là tháng 6-2006 với tổng vốn 159 tỷ đồng. Vậy nhưng, đến hết tháng 9-2007, công trình vẫn chưa thể khởi công vì còn vướng 665m2 đất của 4 gia đình chưa giải phóng được. Tháng 9-2007, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương liên quan phải hoàn thành GPMB cho dự án này ngay trong tháng 10-2007, nhưng rồi vẫn không thể hoàn thành. Thông tin mới đây của UBND T.P Thái Nguyên cho biết, đã có 3/4 hộ nhận tiền đền bù bàn giao mặt bằng. Còn một hộ vẫn cương quyết chưa di dời. Kế hoạch của Thành phố là sẽ bàn giao mặt bằng cho Dự án vào 15-7 này.

Tình trạng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ được xác định là do vướng mắc về GPMB, tái định cư và thủ tục đầu tư. Nguyên nhân có nhiều nhưng tập trung lại ở mấy lý do cơ bản sau: Chính sách về đền bù GPMB của Nhà nước liên tục thay đổi. Cụ thể là phương án đền bù được thay đổi, điều chỉnh nhiều lần gây tâm lý chờ đợi trong nhân dân. Yếu tố biến động của giá cả thị trường cũng có tác động đáng kể. Ngoài ra, còn do một số chủ đầu tư thiếu vốn, thiếu hiểu biết về các thủ tục xây dựng, đền bù GPMB. Và quan trọng hơn cả là do công tác chỉ đạo, điều hành của một số địa phương, ngành liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB chưa bài bản, sát sao, chưa thực hiện nghiêm chỉnh các Quyết định của UBND tỉnh.