Công an xã tham gia đảm bảo TTATGT: Cần sự hỗ trợ để duy trì

10:47, 10/07/2008

Từ ngày 1-8-2007, công an cấp xã trong tỉnh bắt đầu tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) theo sự chỉ đạo của Trung ương và kết quả thời gian đầu rất khả quan. Tuy nhiên, do hạn chế về nghiệp vụ, cơ chế chưa thỏa đáng và một số nguyên nhân khác nên công việc này đang mất đi tính thường xuyên và hiệu quả thì dần bị giảm.

Trong 180 xã, phường, thị trấn của tỉnh, hiện có 25 phường, thị trấn được bố trí lực lượng công an chính quy, 155 xã, thị trấn có lực lượng công an bán chuyên trách và dưới cấp xã mỗi thôn, bản, tổ dân phố còn có thêm một công an viên. Lực lượng không phải là yếu nên ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Trung ương và Công an tỉnh, từ ngày 1-8-2007, nhiều xã, thị trấn đã thành lập tổ tuần tra, kiểm soát, thực hiện xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến đường thuộc địa phương mình quản lý. Đến nay, công an các xã, thị trấn đã vận động được 26.314 gia đình ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt, công an của 134 xã, thị trấn đã tổ chức được 2.061 ca tuần tra, kiểm soát giao thông với 7.428 lượt công an viên tham gia.

Qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng công an xã, thị trấn đã nhắc nhở 7.869 trường hợp, lập biên bản tạm giữ 01 xe đầu ngang, 284 xe mô tô, xử phạt hành chính 5.282 trường hợp vi phạm TTATGT, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 566 triệu đồng. Điển hình trong công tác này phải kể đến: Công an xã Sơn Cẩm (Phú Lương) đã xử phạt 240 trường hợp vi phạm, Công an xã Bình Sơn (T.X Sông Công) xử phạt 272 trường hợp, Công an thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) xử phạt 134 trường hợp... Ngoài ra, lực lương công an xã, thị trấn còn chủ động phối hợp tham gia giải quyết hơn 800 vụ va chạm và tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn, phối hợp với các xóm, bản, tổ dân phố giải toả hành lang đường bộ, phát dọn cây cối, tháo dỡ lều quán lấn chiếm hành lang giao thông.

Đồng chí Lê Đình Thi, Phó trưởng Ban Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh khẳng định: Từ khi lực lượng công an cấp xã vào cuộc tuần tra, xử lý vi phạm TTATG đã góp phần làm chuyển biến tích cực công tác này trên địa bàn. Điều này được chứng minh là trong 6 tháng đầu năm 2008 số vụ, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông đều giảm so với kỳ những năm trước. Quan trọng hơn là qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng công an xã đã nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm ngay từ khi xuất phát nên đã hạn chế số vụ tai nạn giao thông cũng như hậu quả của tai nạn giao thông trên các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh và quốc lộ chạy qua Thái Nguyên.

Hiệu quả là vậy, song do hạn chế về nghiệp vụ, cơ chế chính sách và một số lý do khách quan, chủ quan khác mà hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT của công an cấp xã đang thưa dần. Ở một số xã, công việc này đã chấm dứt hẳn.

Anh Vũ Văn Hùng, Phó trưởng Công an xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) cho biết: “Đồng chí trưởng công an xã đi tập huấn dài ngày nên toàn bộ công việc chuyên môn ở địa phương mình tôi phải giải quyết, do đó, việc sắp xếp thời gian để cùng công an viên đi tuần tra, kiểm soát gặp khó khăn. Thêm nữa là phụ cấp của công an viên chỉ là 120 nghìn đồng/tháng nên nếu triệu tập liên tục đi làm nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng đến các công việc gia đình họ...”.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, chúng tôi thấy có lý do “nhạy cảm” khiến công an xã khó làm đúng khi xử lý vi phạm TTATGT bởi người dân trong xã hầu hết đều biết nhau, hoặc là họ hàng, hàng xóm của các đồng chí trong tổ đi làm nhiệm vụ nên việc xử phạt là rất khó, nhiều khi chỉ nhắc nhở rồi cho qua. Thêm vào đó là thủ tục, quy trình trích lại tiền phạt từ vi phạm TTATGT cho lực lượng công an xã còn phức tạp và thấp nên chưa khuyến khích được họ tích cực trong công tác. Cấp uỷ, chính quyền một số xã thiếu quan tâm đến công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT nên chưa tạo điều kiện về cơ chế chính sách cũng như thời gian để lực lượng công an xã làm nhiệm vụ. Có tới 21 xã lực lượng công an chưa tham gia đảm bảo TTATGT.

Để lực lượng công xã duy trì và từng bước đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) nên thường xuyên tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức chuyên môn cho lực lượng này. Về cơ chế chính sách, UBND tỉnh nên ưu tiên đặc biệt để lực lượng công an xã vào cuộc tích cực hơn nữa. Đồng thời thực hiện luân chuyển chéo công an các xã trong từng cụm khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT để lực lượng này khách quan, công bằng khi làm nhiệm vụ.