Lược ghi ý kiến thảo luận các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết

14:02, 15/07/2008

Trong ngày làm việc thứ 2 (15-7), kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá XI, các đại biểu đã chia 4 tổ thảo luận về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Báo Thái Nguyên trích đăng một số ý kiến thảo luận của các đại biểu (ĐB) tại Kỳ họp này.

Về báo cáo tình hình phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Phú Lương): Trong điều kiện lạm phát tăng cao nhưng 6 tháng đầu năm, hầu hết các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch là điều đáng mừng. (Thái Nguyên là một trong số ít các tỉnh không phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng). Tuy nhiên, việc giải ngân các dự án, chương trình còn chậm. Có lẽ đây là căn bệnh trầm kha từ nhiều năm qua chưa khắc phục được. Theo tôi, nguyên nhân cơ bản do các ngành thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu giải pháp đồng bộ. Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp cụ thể với những đơn vị thực hiện chậm để khắc phục tình trạng này.

Vấn đề chỉ tiêu xuất khẩu trên 34 triệu USD, trong đó sản phẩm may mặc đạt 12,6 triệu USD, nhưng nhập khẩu về phụ kiện may mặc cũng chiếm tới 12,39 triệu USD. Trong nhập khẩu 70 triệu USD, Thái Nguyên rơi vào tình trạng nhập siêu (trên 200%), cần xem lại vấn đề hiệu quả. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo về vấn đề nhập siêu tránh tình trạng mất cân đối trong phát triển kinh tế.

Đại biểu Thái Quang Hải (Phú Bình): Đề nghị bổ sung thêm đánh giá về hiệu quả của việc trồng các loại cây ăn quả, trong báo cáo không nêu. Trước đây, thực hiện chương trình 327, các huyện triển khai cho nhân dân trồng cây vải, nhưng mấy năm trở lại đây vải rớt giá có hộ không thu hoạch, có nơi chặt phá. Vấn đề phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong báo cáo không thấy nêu. Theo tôi, ở một số địa phương, trong đó có huyện Phú Bình, hoạt động của các HTX hiện nay rất hình thức.

Về vấn đề thu hút đầu tư

ĐB Nguyễn Tài Hà (T.X Sông Công) cho rằng: Báo cáo tình hình thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh chủ yếu thông báo con số những nhà đầu tư đến Thái Nguyên mà chưa chỉ rõ những dự án đầu tư đã thực hiện hiệu quả và không hiệu quả. Ví dụ, Dự án Hồ điều hoà Xương Rồng- một dự án lớn, nhưng triển khai không hiệu quả lại không được nhắc tới một từ nào. Hay như hai dự án sản xuất kẽm điện phân, một ở KCN Sông Công, một ở KCN Điềm Thuỵ- Phú Bình đang gây bức xúc trong nhân dân về ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của tỉnh. Đề nghị tỉnh nên thận trọng hơn nữa trong mời gọi đầu tư và đánh giá thực lực các nhà đầu tư.

Cũng về vấn đề thu hút đầu tư, ĐB Phạm Xuân Đương (T.P Thái Nguyên) cho rằng: GPMB chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất có thể “ghi điểm” đối với các nhà đầu tư. Từ nhiều năm nay, GPMB vẫn là cái khó của tỉnh, nên rất cần ý chí và sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Vấn đề quản lý bảo vệ rừng: ĐB Nguyễn Lê Sơn (Phú Lương): Theo báo cáo của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, các vụ vi phạm lâm luật tăng, phản ánh các ngành đã làm việc rất tích cực. Tuy nhiên, cũng đặt ra vấn đề quản lý tài nguyên rừng chưa tốt, do vậy tình trạng chặt phá rừng, vận chuyển gỗ lậu mới nhiều như vậy. Thời gian tới, đề nghị ngành Kiểm lâm và các ngành chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng.

ĐB Thái Quang Hải: Về vấn đề trồng rừng nguyên liệu nêu từ kỳ họp thứ 8 nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết. Đó là đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với Bộ, ngành chức năng chuyển giao diện tích của các nông lâm trường quốc doanh cho nhân dân quản lý. Hiện nay, các nông lâm trường này quản lý diện tích quá lớn, lại ít người nên hoạt động kém hiệu quả, nhiều diện tích đất không trồng cây, gây lãng phí về tài nguyên.

ĐB Lê Anh Thái (Đồng Hỷ) có ý kiến về việc sử dụng đất của Công ty Ván dăm trên địa bàn huyện Đồng Hỷ quá lớn (11.550 ha, chiếm 25% đất tự nhiên, chiếm 47% đất lâm nghiệp của huyện), song việc sử dụng chỉ đạt khoảng 50%. Công tác trồng rừng lại thuê chính người dân của huyện. Qua tính toán, theo công suất thiết kế và nhu cầu nguyên liệu của Công ty Ván dăm chỉ cần sử dụng từ 2.500ha đến 3.000ha đất trồng rừng là đủ cung cấp nguyên liệu cho Công ty. Vì vậy, huyện đề nghị Công ty nên chuyển giao khoảng 8.000ha đất để huyện giao cho các tổ chức, người dân sử dụng có hiệu quả hơn.

Về vấn đề cải cách hành chính (CCHC)

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Phú Lương): Vấn đề CCHC tuy có chuyển biến tích cực trong rà soát các thủ tục hành chính, ra đời bộ phận một của liên thông, tuy nhiên còn tồn tại 3 hạn chế: Đầu tiên phải kể đến nhận thức, thái độ, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ làm bộ phận này còn hạn chế nên khi hướng dẫn người dân làm các thủ tục chưa đầy đủ, có tình trạng còn làm mất hồ sơ của người dân; thứ hai độ nghiêm túc; ý thức trong thực hiện các quyết định hành chính của cấp trên (triển khai Nghị quyết số 24, 25 của HĐND tỉnh) còn chưa nghiêm túc; thứ 3 là tính liên thông của các ngành chưa cao.

Về việc tạm miễn không thu phí tham quan danh lam thắng cảnh tại Hồ Núi Cốc

ĐB Nguyễn Lê Sơn (Phú Lương): Nhân dân kêu nhiều về vấn đề thu vé nhạc nước ăn theo phí tham quan danh lam thắng cảnh tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc. Theo Tờ trình của UBND tỉnh đưa ra chỉ là tạm miễn không thu phí tham quan danh lam thắng cảnh tại đây. Các ĐB Ma Thị Nguyệt (Định Hoá); Nguyễn Hùng Tráng (Sở Tư pháp) đều cho rằng việc thu vé xem nhạc nước là trái với quy định của pháp luật, đề nghị xem lại trách nhiệm của ngành chức năng để vấn đề này tồn tại lâu không giải quyết, mặc dù đã có rất nhiều ý kiến của các cấp, các ngành.

ĐB Đinh Khắc Tĩnh (T.P Thái Nguyên) đề nghị nên bãi bỏ vì các dịch vụ bên trong đã thu phí quá cao. Tuy nhiên, ĐB Đinh Văn Thể (T.P Thái Nguyên) lại cho rằng không nhất thiết phải bỏ việc thu phí vào cổng. Có chăng nên yêu cầu Công ty CP du lịch hồ Núi Cốc chấn chỉnh ngay việc ép khách du lịch phải mua vé xem nhạc nước ngay từ ngoài cổng.

ĐB Nguyễn Văn Mùi (Phú Bình) cho biết thêm: Ngày 27-2-2008, Sở Tư pháp đã có văn bản số 385/TP-VBPQ khẳng định: Việc Công ty cổ phần Hồ Núi Cốc đặt vị trí quy định bắt buộc du khách mua vé xem nhạc nước khi vào cổng chính là trái với Luật Dân sự, Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành đình chỉ và có biện pháp xử lý vi phạm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của du khách. Theo tôi, HĐND phải có thái độ rõ ràng trong việc này.

Về vấn đề quy hoạch xây dựng.

ĐB Hàn Văn Kỳ (T.P Thái Nguyên), báo cáo của UBND tỉnh còn rất chung chung, áp đặt ý chí chủ quan: Đánh giá kết quả công tác quy hoạch xây dựng thời gian qua của tỉnh còn chưa chính xác, nhiều điểm sai sót, bất hợp lý nên định hướng quy hoạch xây dựng đến năm 2010 cũng không sát thực tế và chưa thể hiện được tính dự báo, dự tính. Ông cũng đề nghị không nên điều chỉnh quy hoạch hai dự án thuộc địa bàn thành phố: Khu công nghệ cao và Nhà máy bia. Đại biểu Phạm Xuân Đương (T.P Thái Nguyên) khẳng định: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của tỉnh còn quá yếu. ĐB Kỳ cho rằng, cần nhanh chóng quy hoạch trung tâm hành chính mới của tỉnh để đẩy mạnh tốc độ phát triển KT-XH và đô thị trên địa bàn.

Về vấn đề trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Lân (Đồng Hỷ) bức xúc: Hiện nay, tình trạng bạo lực, nhất là trong thanh thiếu niên có dấu hiệu làm mất ổn định trật tự trị an. Người dân rất hoang mang, lo sợ khi một số thanh, thiếu niên thường tụ tập thành từng nhóm, sử dụng dao găm, mã tấu đi cà khịa, gây sự nếu không may có va vấp nhỏ. Trong khi đó, sự can thiệp của Công an thường chậm trễ.

Về vấn đề tuyển dụng biên chế cho ngành y tế và giáo dục.

Đồng chí Bùi Công Thành, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai đề nghị tỉnh nên xem lại quy định để huyện có thể tuyển được biên chế cho 2 ngành này.

Về các vấn đề khác:

ĐB Trương Thị Huệ (Đại Từ) đề nghị các cơ quan chức năng làm tốt hơn nữa công tác hộ tịch, hộ khẩu; việc quản lý thu phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần được bàn bạc, kê chỉnh lại; các tuyến kênh, mương, hồ gò miếu xuống Văn Yên, Cát Nê xuống cấp, cần sớm có cơ chế để địa phương khắc phục; việc triển khai xây dựng các công trình tại cơ sở xã còn nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính…

ĐB Nguyễn Công Hoàn (Phổ Yên) nêu ý kiến: Việc thi công Quốc lộ 37 chậm, các cơ quan, đơn vị liên quan cần vào cuộc tích cực hơn; việc thi công các công trình của tỉnh chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ; việc giải phóng mặt bằng khu công nghiệp để giao cho các nhà đầu tư còn khó khăn…

ĐB Ngô Thái Hùng (Đại Từ) cho rằng: 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu chi đạt quá thấp, điển hình như các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ sản xuất, phí tại địa bàn huyện Đại Từ; cần đảy nhanh tiến độ trình tự thủ tục xây dựng trường THPT Đội Cấn; Trạm điện xóm 12, xã Hà Thượng do trước đây nhân dân tự đóng góp xây dựng, gần đây ngành điện thu hồi, rỡ bỏ nhưng chưa hoàn lại vốn cho nhân dân; đề nghị tạo điều kiện cho các đồng chí đang giữ các chức danh phó công an xã, xã đội phó được đóng BHXH; đề nghị HĐND nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho các hoạt động văn hoá- xã hội ở khu dân cư…

ĐB Tạ Văn Út (Phổ Yên) đề nghị: Nhà nước cho cán bộ thị trấn Bắc Sơn được hưởng phụ cấp khu vực miền núi; các chức danh Phó công an xã, xã đội phó và chức danh phó các đoàn thể được đóng BHXH…

Đồng chí Lê Duy Vị (Sở Giáo dục & Đào tạo) cho rằng: Công tác giám sát của HĐND chưa thực hiện tốt, do vậy trong báo cáo ở lĩnh vực giáo dục còn chung chung, không cụ thể có phần đánh giá sai với thực tế mà ngành đã làm. 4 khoản điện, nước, bảo vệ, môi trường Chính phủ không cho thu, vậy phải làm như thế nào để ngành bù vào các khoản trên?...

Đồng chí Dương Văn Khanh (Sở Tài nguyên và Môi trường) đề nghị: Hiện nay vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường ở các huyện, thị, thành, các khu công nghiệp là rất lớn nhưng hầu như chưa có khu xử lý rác thải, nước thải gây ô nhiễm. Đề nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét cho sử dụng 1% tổng chi ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường để chi cho các huyện làm công tác thu gom rác thải; xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.

ĐB Vi Văn Thư (Định Hoá) đề nghị các ngành chức năng nên có tổng kết các chương trình, dự án thuộc ngành nông nghiệp, nếu chương trình, dự án nào có hiệu quả cần đánh giá nhân rộng đến hộ nông dân…

Đồng chí Bùi Công Thành (Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai) bức xúc: Dự án xây dựng khu du lịch hang Phượng Hoàng- Mỏ Gà đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2006 nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện, trong khi nhu cầu ăn nghỉ của khách đến tham quan ngày càng đông. Đề nghị tỉnh cho rút giấy phép đầu tư của chủ đầu tư để chuyển cho nhà đầu tư khác có hiệu quả hơn…