Cảnh báo những vị trí có nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng dọc các tuyến đê sông Cầu

14:31, 27/08/2008

Thời gian qua, tình trạng khai thác cát sỏi bừa bãi trên dòng sông Cầu (chủ yếu thuộc địa phận hai huyện Phú Bình và Phổ Yên) đã làm sạt lở và khoét sâu vào đất liền, gây thiệt hại đáng kể đến nhà ở, hoa mầu của người dân, xâm hại hành lang an toàn các tuyến đê. Sau ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 vừa qua, nhiều đoạn sông Cầu tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng.

Sau khi khảo sát thực tế, Chi cục Quản lý đê điều và PCLB tỉnh đã xác định được những vị trí đang có nguy cơ sạt lở cao, cảnh báo và đưa ra những phương án chỉnh trị ban đầu.

 

Trường hợp gần đây nhất là vào ngày 17-7, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, tại khu vực bờ sông Cầu thuộc xóm Nghể, xã Nga My (Phú Bình), khoảng 400m đất, cát dọc bờ sông bị nước cuốn trôi. Do trước đó, các tầu thuyền khai thác cát sỏi khoét sâu vào bờ sông tạo thành các hàm ếch lớn, nên khi gặp mưa to, nước sông lên cao, dòng chảy mạnh đã khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi hàng nghìn mét vuông hoa mầu và xâm hại trực tiếp đến nhà ở của 9 hộ dân sinh sống gần đó. Đã có 6 gia đình phải di dời khỏi khu vực này. Ông Nguyễn Trường Thành, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và PCLB tỉnh nhận định: “Nếu ở thời điểm đó nước sông không phải mức báo động 2 mà là mức báo động 3 thì thiệt hại sẽ thật khó lường...”

 

Ông Thành cũng cho biết: Chi cục đã khảo sát, thấy rằng cần cảnh báo để chính quyền và nhân dân địa phương biết được những điểm có nguy cơ tiếp tục sạt lở dọc bờ sông Cầu nhằm có phương án chủ động ứng phó. Theo ông, có ít nhất 5 điểm đã từng bị sạt lở và giờ đang có nguy cơ sạt lở cao gồm: Khu vực Soi Quýt và một số vị trí phía dưới bãi Soi Quýt, từ km số 8 đến km số 9-đê Hà Châu-thuộc hai xóm Yên Trung và Thù Lâm, xã Tiên Phong (Phổ Yên), đã bị sạt lở khoảng 600m. Khu vực xóm Trại Mới, xã Thượng Đình (Phú Bình) đã bị sạt lở với chiều dài khoảng 500m. Khu vực xóm Trại, xóm Múc, Soi 1, Soi 2, xã Úc Kỳ (Phú Bình) có tới 2km bờ sông bị sạt lở. Khu vực xóm Dinh, xã Nga My (Phú Bình) thuộc đê Hà Châu đã bị sạt lở khoảng 400m. Khu vực xóm Soi, xã Đông Cao (Phổ Yên) đã bị sạt lở khoảng 300m, đặc biệt có chỗ chỉ cách chân đê Chã khoảng 10m. Cả 5 điểm từng bị sạt lở này hiện giờ đều trong tình trạng có thể bị nước cuốn trôi bất cứ lúc nào, nhất là khi có mưa to, nước dâng cao. Theo đánh giá chuyên môn, 3 trong 5 điểm sạt lở này có vị trị đặc biệt quan trọng đối với các công trình đê bao, bởi nó nằm sát với hành lang an toàn thân đê.

 

Chi cục Quản lý đê điều và PCLB tỉnh đề nghị chính quyền các địa phương cùng phối hợp với các ngành chức năng quản lý chặt việc khai thác cát sỏi trên lòng sông Cầu, có biện pháp cứng rắn đối với các đối tượng sử dụng tầu cuốc, tàu hút cát khai thác gần bờ sông. Yêu cầu các hộ có đất soi bãi ven sông không được thoả thuận ngầm để bán đất cho các chủ tàu khai thác cát sỏi trái phép. Ngành Tài nguyên-Môi trường, chính quyền địa phương cũng cần siết chặt việc quản lý khai thác đối với các đối tượng khai thác cát sỏi.

 

Hiện nay, Chi cục Quản lý đê điều và PCLB tỉnh đang tiến hành triển khai các phương án nhằm khắc phục và hạn chế thiệt hại khi có tình huống xấu xảy ra tại những vị trí này. Phương án được đưa ra là: Với những khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông có dân cư đang sinh sống (cách khoảng 200m trở lên), sẽ tiến hành xây dựng công trình hộ chân kè để chống sạt lở. Cần thiết sẽ di dời những hộ dân trong khu vực nguy hiểm. Đồng thời, khuyến cáo nhân dân trồng tre chắn sóng, bảo vệ bờ sông. Với những khu vực có nguy cơ sạt lở chỉ có hoa màu thì tiếp tục bổ sung kinh phí đầu tư xây kè lát mái toàn bộ, nhằm bảo vệ sản xuất và tránh gây nguy hại đến thân đê. Đây là những phương án cần được triển khai bởi tính khả thi cao, nhưng thực tế không thể một sớm, một chiều có thể hoàn thành được, trong khi thời điểm này đang là cao điểm của mùa mưa bão. Bởi vậy, hiện tại rất cần sự vào cuộc của chính quyền và người dân địa phương để có thể chủ động phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều, tránh sạt lở bờ sông.