Trong các ngày 13 và 14-8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Sáng 14-8, đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì buổi giám sát của Đoàn tại UBND tỉnh về cải cách thủ tục hành chính thu hút đầu tư.
Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện hiệu qủa các quy định của pháp luật, các văn bản của Trung ương về cải cách hành chính. Đặc biệt, đã tiến hành rà soát các thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, các địa phương trong tỉnh; thực hiện cơ chế một cửa từ tỉnh đến huyện, xã; thành lập Văn phòng một cửa liên thông cấp tỉnh giải quyết các thủ tục hành chính...
Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo sâu hơn tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính của tỉnh thời gian qua, nêu rõ những mặt đã làm tốt, những tồn tại và các giải pháp cần thực hiện. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Không nên xem nhẹ các thủ tục hành chính ban đầu (thông báo của tỉnh về chủ trương đầu tư, các sơ đồ, biểu đồ quy hoạch, phương án lựa chọn đầu tư...). Mặc dù không có tính quyết định nhưng các thủ tục này lại rất quan trọng đối với các nhà đầu tư. Đồng chí nhấn mạnh: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo sát sao việc chấn chỉnh lề lối làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn, cụ thể là chính chỉnh lề lối làm việc của cán bộ trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính. Đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính phải gắn liền với công nghệ thông tin. Vì như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tạo uy tín với các nhà đầu tư.
Sau khi đã nghe ý kiến tham gia của các thành viên trong Đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao những nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính thu hút đầu tư của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành thời gian qua. Đồng chí khẳng định, việc ra đời Văn phòng một cửa liên thông của tỉnh là bước đột phá quan trọng để giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng, việc giải quyết các thủ tục hành chính vẫn còn chậm; sự liên kết giữa các sở, ngành chuyên môn chưa thật ăn khớp, chủ động.
Về các giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gợi mở: Các thủ tục hành chính nên công khai đăng trên Báo Thái Nguyên in, cập nhật liên tục trên Báo Thái Nguyên điện tử để cho nhà đầu tư biết và nhân dân dễ dàng giám sát. Các sở, ngành cần tập trung giải quyết dứt điểm các thủ tục hành chính ở các dự án trọng điểm và phải phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng HĐND-UBND và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Tiến hành phân cấp giải quyết thủ tục hành chính theo quy định, đồng thời rà soát lại những thủ tục còn thiếu, bổ sung kịp thời. Đồng chí cũng đã nhất trí với 7 giải pháp và 4 kiến nghị về cải cách thủ tục hành chính của UBND tỉnh gửi Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương.
Trước đó sáng 13-8, tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã nghe lãnh đạo Sở báo cáo kết quả cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) để thu hút nguồn vốn đầu tư và giải quyết công việc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp ở địa phương.
Sở đã rà soát, đánh giá 24 văn bản tham mưu UBND tỉnh ban hành trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về TN&MT (bao gồm đất đai, khoáng sản, địa chất, nước, khí tượng thuỷ văn, đo đạc bản đồ và môi trường) cần bổ sung, sửa đổi và thay thế phù hợp với các quy định hiện hành; 2 văn bản huỷ bỏ, thay thế. Rà soát đề nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành mới cho phù hợp với những quy định của Nhà nước gồm 11 văn bản.
Bên cạnh đó, Sở đã kiện toàn Ban chỉ đạo CCHC của Sở và kiện toàn lại công tác giải quyết những thủ tục cho doanh nghiệp và người dân. Từ ngày 1-1-2004, Sở cũng đã thực hiện cơ chế “một cửa” trong lĩnh vực đất đai; ngày 22-1-2008, thực hiện Quyết định của UBND tỉnh theo quy định “một cửa”, “Một cửa liên thông”. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác CCTTHC để thu hút đàu tư, Sở đã đề nghị tỉnh có giải pháp cụ thể đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho tổ chức cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài; người sử dụng đất thực hiện đăng ký biến động về sử dụng đất; vấn đề cấp phép, gia hạn khai thác, sử dụng nước mặt và cấp phép, gia hạn xả nước thải vào nguồn nước; cấp đổi GCNQSDĐ đối với các loại GCNQSDĐ đã cấp trước 1-7-2004...
Các Đại biểu trong Đoàn đã đề nghị Sở TN&MT làm rõ một số vấn đề về quy trình cấp phép khai thác mỏ; quy trình giao đất, cho thuê đất, nhất là thời gian giao đất cho nhà đầu tư còn chậm; vấn đề quy hoạch khu công nghiệp đã quan tâm đến bố trí những nhà máy gây ô nhiễm môi trường nặng; việc xử lý các doanh nghiệp sử dụng đất chưa hiệu quả; công tác quản lý quy hoạch, chất lượng quy hoạch...
Qua đó, Đoàn đã đề nghị Sở tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung những văn bản chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và sẽ kiến nghị với Quốc hội, các bộ, ngành T.W những vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính không thuọc thẩm quyền giải quyết để tháo gỡ kịp thời.
Buổi chiều cùng, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Đoàn cũng đã nghe lãnh đạo Sở báo cáo về tình hình thực hiện CCTTHC tại Sở và thực hiện Đề án “một cửa liên thông”. Tại Sở KH&ĐT, công tác CCTTHC theo cơ chế “một cửa” đã được thực hiện tương đối tốt, được các tổ chức, cá nhân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Việc giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo chất lượng đúng thời gian. Thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh (ĐKKD), ưu đãi đầu tư, đấu thầu, thẩm định dự án. Cấp giấy chứng nhận ĐKKD đảm bảo đúng thời gian, quy định. Thủ tục giải quyết rõ ràng.
Tuy nhiên, nhân lực còn thiếu, các tổ chức, cá nhân khi trình thẩm định dự án đầu tư còn thiếu thủ tục; do có nhiều quy định, nhiều lĩnh vực công việc khác nhau nên chưa đáp ứng được công việc. Đối với bộ phận một cửa liên thông, đã kiện toàn Ban chỉ đạo giải quyết nhanh các yêu cầu xúc tiến đầu tư trên địa bàn và thành lập tổ chuyên viên giúp việc. Tuy mới triển khai đề án “một cửa liên thông” trong thời gian ngắn nhưng đã tiếp xúc và giải quyết khá nhiều dự án đầu tư; tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; tạo sự công khai, minh bạch, gần gũi và cởi mở giữa các sở, ngành liên quan tiếp xúc với nhà đầu tư; tích cực rút ngắn thời hạn và kết quả.
Qua 2 tháng (từ 26-5 đến tháng 7-2008), bộ phận một cửa liên thông đã thực hiện 16 phiên làm việc; đã có 69 lượt khách đến làm việc. Trong 25 dự án do các nhà đầu tư dự kiến đầu tư trên địa bàn, cơ quan thường trực một cửa liên thông đã đề nghị UBND tỉnh chấp thuận đầu tư 15 dự án; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quy chế tỉnh mới ban hành cho 4 dự án xây dựng khu chung cư và trung tâm thương mại; phúc đáp 4 nhà đầu tư hoàn thiện nốt thủ tục còn thiếu; đang chờ ý kiến của các ngành, huyện cho 2 ý kiến. UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 8 dự án; cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án; trả kết quả cho 8 trường hợp đúng quy định thời hạn; hiện đang thụ lý 4 hồ sơ.
Các ý kiến trong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị Sở giải trình làm rõ những nội dung về việc ĐKKD;công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, các ngành, lĩnh vực để thu hút đầu tư theo từng giai đoạn; sự phối hợp giữa các cấp, ngành để cấp phép đầu tư và giải quyết các công việc tại một cửa liên thông..Đoàn cũng đã yêu cầu Sở cần tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính để tránh chồng chéo; nâng cao chất lượng từng bước công tác CCTTHC; tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch nhằm thu hút đầu tư.