Ngày 18-8, Ban chỉ đạo (BCĐ) một cửa liên thông Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị họp với lãnh đạo một số sở ban ngành liên quan và các huyện thành thị để trao đổi rút kinh nghiệm sau 2 tháng thực hiện và bàn nhiệm vụ trong thời gian tới. (Ảnh)
Qua đánh giá của BCĐ một cửa liên thông cho thấy: Mặc dù Văn phòng một cửa liên thông của tỉnh (gồm 10 đơn vị) mới đi vào hoạt động từ 1-6-2008, đến nay bộ phận thường trực đã thực hiện 16 phiên làm việc vào các ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần và đã tiếp 69 lượt nhà đầu tư, doanh nghiệp đến làm việc.
Trong thời gian ngắn nhưng hoạt động của BCĐ một cửa liên thông đã thể hiện hiệu quả rõ rệt: Tiếp xúc nhanh và giải quyết nhanh khá nhiều dự án đầu tư; các nhà đầu tư và doanh nghiệp chỉ đến một nơi để được hướng dẫn nhiều thủ tục, nộp hồ sơ và nhận kết quả; tạo sự công khai minh bạch, gần gũi, cởi mở giữa các sở ban ngành liên quan với các nhà đầu tư và doanh nghiệp; tích cực rút ngắn thời hạn và trả kết quả. UBND tỉnh có sự chỉ đạo chặt chẽ; các đơn vị thành viên phối hợp tích cực và trả lời ý kiến tham gia nhanh; hầu hết cán bộ của Bộ phận thường trực làm việc đầy đủ, đúng giờ, có thái độ đúng mực, hướng dẫn nhiệt tình nhà đầu tư; giao nhận, trả hồ sơ đúng thủ tục, đảm bảo thời gian quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh cũng còn một số tồn tại như công tác lưu chuyển văn bản giữa các sở ban ngành, UBND cấp huyện hoặc nội bộ từng đơn vị chưa được xử lý nhanh dẫn đến việc trả lời các nhà đầu tư còn chậm; sự tham gia của lãnh đạo các sở ban ngành liên quan trong một số cuộc họp chưa đầy đủ. Trong quá trình xem xét thẩm định các dự án, xúc tiến đầu tư còn một số vấn đề nảy sinh như địa điểm thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư nên phải mất nhiều thời gian để lấy ý kiến thống nhất; quy hoạch còn thiếu nên có những dự án xin đầu tư lại không có trong quy hoạch ngành; ý kiến của xã phường, và UBND các huyện chưa thống nhất về chấp thuận địa điểm đầu tư; định mức, hạn đất cho một dự án đầu tư cụ thể chưa có căn cứ chuẩn mực để xem xét chọn lọc dự án đầu tư nên dẫn đến việc có trường hợp nhà đầu tư sử dụng đất còn lãng phí hoặc thiếu đất; trong thủ tục đầu tư chưa có ý kiến thống nhất có cần chứng chỉ quy hoạch hay không; có trình trạng nhiều dự án được chấp thuận đầu tư nhưng việc triển khai còn cầm chừng không thực hiện đúng cam kết.
Qua trao đổi ý kiến giữa các ngành và huyện, thị thành cho thấy còn bộc lộ những khiếm khuyết cần có giải pháp tháo gỡ như thủ tục hành chính sau chấp thuận đầu tư (công tác quy hoạch, giao đất, chứng chỉ quy hoạch, thoả thuận địa điểm..) còn chậm; một số cán bộ chuyên môn chưa nắm được công việc nên hiệu quả chưa cao; điện, nước, thông tin chưa đáp ứng ứng yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp; công tác quy hoạch thiếu; vấn đề hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng còn khó khăn do chưa xây dựng được cơ chế; các doanh nghiệp chưa chịu vào các khu công nghiệp do chưa triển khai được công tác quy hoạch.
Phát biểu tại cuộc họp đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ một cửa liên thông của tỉnh yêu cầu các ngành, cấp huyện, thị thành phải tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản thuộc thủ tục đầu tư (các quy định về đầu tư; danh mục đầu tư; các loại mẫu biểu; thủ tục đầu tư, chấp thuận đầu tư, quy hoạch phục vụ dự án; giá đất; hạ tầng kỹ thuật...) thuộc ngành, đơn vị mình; tiếp tục nghiên cứu, kê chỉnh rút ngắn thời gian làm các thủ tục hơn nữa; xây dựng quy chế cung cấp thông tin;, dữ liệu; bổ sung thành viên BCĐ một cửa liên thông của tỉnh nhằm giải quyết các công việc liên quan đến nhà đầu tư đầy đủ, nhanh gọn kịp thời.