Hiện nay, nhiều diện tích lúa mùa ở các huyện Đại Từ, Phú Lương, Phổ Yên... đã xuất hiện bệnh lạ, gây thối thân khiến lúa bị chết. Chi Cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã tiến hành lấy mẫu bệnh gửi về Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc và Trung tâm Giám định Bảo vệ thực vật để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Cũng trong thời gian này, hầu như các diện tích lúa gieo cấy tại các huyện, thị và thành phố đều có xuất hiện sâu hại. Trên lúa mùa sớm xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, mật độ trung bình 4,8 con/m2, nơi cao 14 con/m2, cục bộ 25 con/m2, cá biệt 40 con/m2; sâu đục thân 2 chấm trung bình từ 2 đến 7 con/m2, cục bộ có diện tích 30 con/m2, tỷ lệ trung bình dảnh héo 10%, nơi cao 3,6%, cá biệt như ở Phú Bình 17,5%; tại huyện Phổ Yên và T.X Sông Công, sâu Cú Mèo hại cục bộ với mật độ trung bình 2 con/m2, nơi cao 5 con/m2, dảnh héo tỷ lệ hại trung bình 3,3%, nơi cao 5,5%; Rầy nâu mật độ trung bình 135 con/m2, nơi cao 475 con/m2, tại các huyện Võ Nhai, Đại Từ, Phổ Yên có diện tích nhiễm cục bộ từ 500 đến 700 con/m2... Trên diện tích lúa mùa trung và mùa muộn cũng xuất hiện các loại sâu cuốn lá nhỏ, Rầy nâu, sâu đục thân hai chấm, ốc bươu vàng... với mật độ gần tương đương với diện tích lúa mùa sớm.
Hiện Chi Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai tới trạm bảo vệ thực vật của 9 huyện, thị và thành phố tăng cường công tác thăm đồng, theo dõi diễn biến các đối tượng dịch hại trên cây lúa, chú ý về diễn biến sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, rầy nâu, nầy lưng trắng... đồng thời hướng dẫn cho nông dân sử dụng cách phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại đạt hiệu quả nhất.