Đảng bộ Thái Nguyên sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng

14:02, 24/09/2008

Trong hai ngày 25 và 26-9, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2005-2010). Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự.

Qua hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, toàn Đảng bộ tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm đạt trên 12%, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 16,7%, dịch vụ tăng 12,7%, nông nghiệp, thuỷ sản tăng 4,3%. GDP bình quân đầu người năm 2008 đạt gần 12 triệu đồng/người/năm. So với đầu nhiệm kỳ, tỷ trọng công nghiệp tăng từ 38,7% lên 40%, nông, lâm nghiệp giảm từ 26%, xuống còn 23%; giá trị xuất khẩu bình quân hàng năm đạt trên 70 triệu USD, tăng bình quân 39,35%/năm, vượt gấp hai lần so với chỉ tiêu Đại hội đề ra.

 

Dự ước tổng thu ngân sách bình quân (2006- 2008) đạt 1.037 tỷ đồng. Các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư được triển khai tích cực và đạt kết quả khá. Đến nay đã thu hút được 128 dự án, tổng vốn đăng ký gần 48 nghìn tỷ đồng, tổng vốn đã thực hiện đạt trên 8 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh đã và đang quy hoạch đầu tư xây dựng 6 cụm công nghiệp tập trung, 25 cụm công nghiệp vừa và nhỏ, với tổng diện tích trên 2000ha, đã có 61 dự án được cấp phép đầu tư.

 

Trên các lĩnh vực văn hoá- xã hội đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân gần 3%/năm, tạo việc làm mới bình quân hàng năm được gần 16 nghìn lao động. Trong hơn hai năm, toàn tỉnh đã huy động công sức, tiền đóng góp của nhân dân xoá được 7.200 ngôi nhà dột nát. Công tác y tế, văn hoá đã bám sát các hoạt động chung của quốc gia và của tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Trong 12 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, đến nay đã có 6 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức (xuất khẩu, thu ngân sách, giảm nghèo, giá trị sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm và công tác xây dựng Đảng), hai chỉ tiêu đạt kế hoạch: Tốc độ tăng trưởng và GDP bình quân đầu người, các chỉ tiêu còn lại cần tăng cường phấn đấu, trong đó cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

 

Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành, Ban thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã chỉ ra những tồn tại trong tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết mà từ nay đến hết nhiệm kỳ, các cấp, các ngành cần tập trung giải quyết, đó là: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành còn chậm, nhất là trong nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; trình độ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp còn thấp, công nghệ lạc hậu; công tác giải phóng mặt bằng cho các dự  án đầu tư còn chậm, còn bộc lộ yếu kém trong quản lý tài nguyên, khoáng sản, quản lý quy hoạch; việc triển khai thực hiện các đề án xã hội hoá các vấn đề xã hội còn chậm, công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, giải quyết việc làm, lao động qua đào tạo còn chưa bền vững, các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; thực hiện cải cách hành chính còn chậm, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; năng lực, sức chiến đấu, tinh thần đấu tranh phê và tự phê bình của một số tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên còn yếu…

 

Buổi chiều cùng ngày, Hội nghị tiến hành thảo luận tổ, để bàn các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết từ nay đến hết nhiệm kỳ.

 

Dưới đây là lược ghi những ý kiến thảo luận của các đại biểu:

 

Tại tổ thảo luận số 1; Đồng chí Hà Thị Xoan, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra làm Tổ trưởng. Tham gia thảo luận có đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ.

 

Đánh giá về nguyên nhân đạt được kết quả qua nửa nhiệm kỳ, các đại biểu thảo luận tổ đều nhất trí với các ý kiến đó là: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã cụ thể hoá các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư nên đã thu hút được nhiều nguồn vốn và các nhà đầu tư, điển hình như: Cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI tỉnh mới thu hút đầu tư đạt 8.000 tỷ đồng, trong khi đó nửa nhiệm kỳ qua đã đạt được mức này.

 

Về các ý kiến thảo luận tại tổ, các đại biểu tập trung vào các vấn đề: Để phát triển công nghiệp, nên khai thác theo thế mạnh, trong đó cần thay thế khai thác công nghiệp hoá chất bằng công nghiệp phần mềm, vì lợi thế của tỉnh ta có Đại học Thái Nguyên; khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch lịch sử, văn hoá ATK Định Hoá; đầu tư mạnh cho kết cấu hạ tầng, trong đó có cả nông thôn, vì như vậy mới có thể chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Một số đại biểu cho rằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm nhưng chậm do lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, vì theo số liệu báo cáo thì chỉ tiêu công nghiệp còn thiếu 4,23%, dịch vụ thiếu 2,79%.

 

Vấn đề phát triển lâm nghiệp cần bổ sung thêm khai thác rừng trồng, vì phát triển không thuần tuý là trồng rừng. trong phát triển chăn nuôi cần quan tâm thêm vấn đề bảo đảm an toàn sinh học. Về giải pháp công tác cán bộ cần bổ sung nội dung quan tâm quy hoạch cán bộ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH, theo chỉ thị của Trung ương.

 

Trong thu hút đầu tư, đã đúng hướng, nhưng quy hoạch thì chưa đáp ứng yêu cầu. Trong chính sách thu hút đầu tư cần quan tâm hỗ trợ nông dân hơn là hạ giá thành đất thu hút đầu tư, bởi hiện nay, giá đất để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh vẫn chỉ ở mức trung bình so với các tỉnh lân cận.   

 

 

Tại tổ thảo luận số 2: Đồng chí Lê Quang Dực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo chủ trì.

 

Về lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đồng chí Đinh Khắc Hiển, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra mỗi năm sản xuất công nghiệp phải đạt tốc độ tăng trưởng 17%. Để đạt được chỉ tiêu này, giá trị sản xuất công nghiệp phải đạt trên 22%. 3 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân mới đạt được 21%, thấp hơn so yêu cầu. Cơ cấu công nghiệp phát triển không đồng đều. Nhóm ngành công nghiệp khai khoáng nhiều, đầu tư lớn, gây sức ép cho hạ tầng, môi trường nhưng hiệu quả không cao bằng các doanh nghiệp phát triển công nghiệp nhẹ. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa mạnh. Công tác quy hoạch, chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch yếu. Dự báo quy hoạch không sát với tình hình thực tế. Một số quy hoạch cho giai đoạn 2010-2020 đến giờ đã lạc hậu. Một số khu cụm công nghiệp đã quy hoạch, nhưng khi thu hút được 1-2 dự án vào đầu tư đã phá hủy quy hoạch, trong khi đó cơ quan nào quản lý vấn đề này vẫn chưa rõ.

 

Đề nghị tỉnh cần đặc biệt quan tâm rà soát lại công tác quy hoạch. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ từ việc tuyển dụng đến quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.

 

Cũng về lĩnh vực phát triển công nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Tân, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh cho biết: Khu công nghiệp Sông Công đến nay đã thu hút được 31 dự án, diện tích đất gần 70ha. Có 22 dự án đi vào hoạt động, doanh số năm 2008 sẽ khoảng 1.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm 5.000 lao động. Mỗi năm, có từ 50-70 nhà đầu tư đến tìm cơ hội đầu tư, nhưng chỉ có đất cho 1-2 doanh nghiệp. Tốc độ phát triển các khu công nghiệp của tỉnh quá chậm. Đề nghị tỉnh cân đối ngân sách hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để có diện tích đất sạch thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.

 

Đóng góp vào nhóm giải pháp trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, đồng chí Ngô Xuân Triệu, Bí thư Huyện ủy Phổ Yên cho rằng: Để sớm đưa tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020, tỉnh cần quan tâm đến đầu tư  cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông. Đồng thời có chính sách đầu tư các khu công nghiệp trọng điểm, cũng như ổn định đơn giá về đền bù đất từ 3 đến 5 năm. Đặc biệt, cần có những cơ chế chính sách riêng như: Lập quỹ để giải quyết việc làm, học nghề... cho những hộ thuộc diện thu hồi đất cho phát triển công nghiệp.

 

Về lĩnh vực giáo dục- đào tạo, đồng chí Hà Minh Lợi, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Về chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia, chỉ tiêu đề ra đến năm 2010 có 50% số trường đạt chuẩn Quốc gia. Hiện nay toàn tỉnh mới có 203 trường trên tổng trên 600 trường của toàn tỉnh đạt chuẩn Quốc gia. 2 năm còn lại phải phấn đấu có thêm trên 90 trường đạt chuẩn mới đạt kế hoạch đề ra. Chỉ tiêu này rất khó khăn. Nếu không có giải pháp quyết liệt trong đầu tư đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thì chỉ tiêu này không đạt được kế hoạch. Về công tác xây dựng Đảng, để hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên mới cần quan tâm hơn nữa đến phát triển Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, các trường ĐH, CĐ.

 

Tại tổ thảo luận số 3: 25 đại biểu đang công tác ở các cơ quan: UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, huyện Phú Bình, huyện Phú Lương đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào bản dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh, báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ngoài các ý kiến đồng tình, ghi nhận những kết quả đạt được như đã nêu trong 2 dự thảo báo cáo, các đại biểu đã nêu một số hạn chế, tồn tại cần tháo gỡ trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

 

Về các vấn đề xã hội, đại biểu Tạ Chu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho rằng: Việc thực hiện chính sách đãi ngộ đối với nhóm đối tượng người có công trong thời gian qua đã tích cực hơn trước nhưng xét tổng thể vẫn còn chậm. Đặc biệt là việc thực hiện chế độ đối với những cựu chiến binh tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá còn quá chậm. Vẫn theo đại biểu này việc thực hiện chính sách xã hội trên địa bàn nói chung và các đối tượng người có công nói riêng cần đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân.

 

Trong phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 2 năm qua đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần tạo nền tảng để hoàn thành các chỉ tiêu khác của Đảng bộ. Tuy nhiên, những biến động của thị trường trong nước, quốc tế thời gian gần đây đang gây ra những bất lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp trên địa bàn tỉnh, làm giảm thu nhập của người lao động. Đại biểu Thuần cũng nêu vấn đề cần có biện pháp tích cực hơn để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng mất cấn đối giữa các ngành, lĩnh vực.

 

Đầu tư mạnh hơn nữa cho phát triển thiết chế văn hoá, cơ sở hạ tầng ở nông thôn được đại biểu Ngô Quang Khải, Bí thư Huyện uỷ Phú Bình và Nguyễn Thế Đề, Bí thư Huyện uỷ Phú Lương nhấn mạnh. Theo 2 đại biểu này, người dân nông thôn hiện nay vẫn chưa được hưởng nhiều các dịch vụ văn hoá, cơ sở hạ tầng hỗ trợ sản xuất ở nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu.

 

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trong tỉnh cũng được đại biểu Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh thông tin: Chỉ tiêu của Đảng bộ đến hết nhiệm kỳ sẽ có 40% số lao động trong tỉnh được qua đào tạo nghề sẽ khó đạt được nếu cơ sở vật chất, tài chính đầu tư cho lĩnh vực này không đảm bảo. Đại biểu Hằng đưa ra một số giải pháp trong lĩnh vực này như phải xã hội hoá công tác đào tạo nghề, hướng công tác đào tạo nghề về cơ sở để tạo điều kiện cho những lao động ở nông thôn có nhu cầu học nghề.

 

Liên quan đến lĩnh vực tư pháp, đại biểu Nhữ Văn Tâm, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh cho rằng Thái Nguyên là trung tâm vùng nên số vụ việc xảy ra hàng năm rất lớn trong khi cơ sở vật chất, nhân lực đầu tư của các cơ quan tư pháp của tỉnh đang rất thiếu, yếu và cần sớm được hỗ trợ để tăng khả năng giải quyết công việc.

 

Tại tổ thảo luận số 4, đồng chí Trịnh Thị Cúc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

 

Đại biểu đều nhất trí cao với nội dung các báo cáo trình trước hội nghị, đồng thời có ý kiến đóng góp, xây dựng phương hướng, giải pháp thực hiện về các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng từ nay đến hết nhiệm kỳ.

 

Các ý kiến thảo luận tập trung vào các vấn đề: Quan tâm hơn nữa tới lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; có kế hoạch đầu tư xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè; phát triển các vùng lúa hàng hoá có chất lượng cao; đầu tư, hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi; có cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động; tạo điều kiện để các hoạt động thuộc lĩnh vực Đông y, Tây y có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị tỉnh đầu tư hơn nữa trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường điện, xây dựng các lớp học mầm non và chế độ cho giáo viên dân lập ở xã vùng cao. Trong quá trình xúc tiến đầu tư, Nhà nước cần quan tâm hơn tới đời sống người nông dân bị thu hồi đất. Phát triển kinh tế phải gắn liền với an ninh trật tự, đời sống xã hội. Các cơ quan, đơn vị cần có sự phối hợp, giải quyết dứt điểm trong công tác giải phóng mặt bằng xây dựng, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đúng luật, tránh tình trạng khiếu kiện, khiếu nại đông người kéo dài; nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là giới trẻ không mắc vào các tệ nạn xã hội, UBND tỉnh sớm có hướng dẫn về việc thu tiền đóng góp xây dựng trường lớp để các nhà trường thực hiện. Trong việc xây dựng trường lớp, UBND tỉnh nên tạo điều kiện để nhà trường và đơn vị thiết kế cùng thảo luận, thống nhất bản vẽ xây dựng...

 

Tại tổ thảo luận số 5, dưới sự chủ trì của đồng chí Phùng Đình Thiệu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo trình tại Hội nghị. Bên cạnh đó, các đại biểu đã đóng góp ý kiến, kiến nghị, làm rõ thêm về một số chỉ tiêu, giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh từ nay đến hết nhiệm kỳ như: 

  

Chỉ tiêu phấn đấu xây dựng 50% làng bản, tổ dân phố văn hoá cần xem xét lại vì các tiêu chuẩn khác có thể đạt được nhưng do các tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp, tỷ lệ người mắc nghiện cao nên chỉ tiêu này khó hoàn thành. Thêm nữa, Thái Nguyên có số trường đại học, cao đẳng khá đông với nhiều giáo sư, tiến sỹ nhưng những đề tài khoa học của họ áp dụng vào thực tiễn còn ít, đề nghị tỉnh quan tâm, có cơ chế, chính sách khuyến khích các vị giáo sư, tiến sỹ nghiên cứu những đề tài thiết thực phục vụ đời sống nhân dân. Hiện nay, do chính sách thắt chặt tiền tệ của Nhà nước nên Ngân hàng chỉ cho những đối tượng mang hiệu quả kinh tế cao trong thời gian ngắn vay vốn do vậy đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng cần xem xét, điều chỉnh và có giải pháp cụ thể cho các chỉ tiêu xã hội như: Quá trình cập chuẩn PTTH, xây dựng đội ngũ y tế thôn bản, xoá nhà dột nát, xuất khẩu lao động... Ngoài ra, trong 7 giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội từ nay đến hết nhiệm kỳ còn dàn trải, chung chung, chưa xác định rõ lộ trình để thực hiện. Công tác cải cách hành chính còn chưa triệt để, vẫn còn nhiều thủ tục gây phiền hà cho người dân...

 

 

Các đại biểu thảo luận tại tổ số 5.

 

 

 

 

Đồng chí Trịnh Thị Cúc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi cùng các đại biểu tại tổ thảo luận số 4.

 

Tại tổ thảo luận số 6, Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì, gồm Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh; Trường Chính trị tỉnh, Liên minh hợp tác xã, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh...

 

Đã có 10 ý kiến phát biểu, thảo luận, kiến nghị tại tổ. 100% ý kiến cơ bản nhất trí với Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khoá XVII, các báo cáo đã đánh giá tương đối toàn diện, tổng quát các mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, cô đọng, ngắn gọn, súc tích. Trong nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh ta đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết đề ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, văn hoá, xoá đói giảm nghèo... Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần bàn bạc và đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn để đạt được hiệu quả cao như: Vấn đề phòng, chống tệ nạn xã hội. Hiện nay tỉnh ta xuất hiện một số băng nhóm tội phạm, hoạt động theo kiểu xã hội đen. Song ngành chức năng cho rằng đó chỉ là các băng nhóm hình thành tự phát và khẳng định tỉnh ta không có băng nhóm xã hội đen. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa bền vững. Phát triển kinh tế tập thể, xây dựng các loại hình HTX cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa và coi đây là nhiệm vụ  thường xuyên, trọng tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền. Giảm tỷ suất sinh thô có nhiều nguy cơ không đạt chỉ tiêu do một số nguyên nhân, nhiều gia đình vẫn có tư tưởng muốn có con trai nối dõi, nên tỷ lệ số hộ sinh con thứ 3 tiếp tục tăng; công tác vận động, tuyên truyền chưa sâu rộng, hiệu quả. Phát triển công nghiệp - dịch vụ cần phải có chiến lược và quy hoạch tổng thể để kêu gọi các nhà đầu tư lớn có khả năng tạo vùng, không nên phát triển manh mún, dàn trải...

 

Các ý kiến, kiến nghị tại tổ đã được tổng hợp để trình lên hội nghị.

 

 

Các đại biểu thảo luận tại tổ số 6.