Cách đây hơn 2 tuần, khu rừng trồng rộng khoảng 2ha của gia đình ông Phạm Hữu Xuân, xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) bị bốc cháy. Ông Xuân cho biết: Đây là khu rừng đầu nguồn, bảo vệ con đập cung cấp nước cho mấy chục hộ dân trong xóm. Cháy rừng xảy ra không chỉ khiến gia đình tôi thiệt hại trên 100 triệu đồng mà còn làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân vì sao lại cháy, đến giờ vẫn chưa được làm rõ.
Đây có thể xem như lời cảnh báo đối với các ngành chức năng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô, bởi năm nay diễn biến thời tiết rất phức tạp. Từ đầu tháng mười đến nay, thời tiết khô hanh kéo dài, một số khu vực không có mưa trong nhiều ngày sẽ là điều kiện để những khu rừng rất dễ cháy khi gặp lửa. Theo số liệu ngành Kiểm lâm: Tỉnh ta hiện có trên 352,6 nghìn ha rừng tự nhiên, trong đó, diện tích rừng trồng có khoảng 172 nghìn ha. Hiện, Thái Nguyên đang nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp 5). Diện tích rừng thuộc vùng trọng điểm dễ cháy tập trung ở các huyện như: Đại Từ, Đồng Hỷ, Định Hoá, Võ Nhai...
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, để công tác phòng cháy rừng mùa khô năm nay đạt hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền như: Thông tin những văn bản liên quan đến công tác PCCCR, quản lý bảo vệ rừng qua các cụm loa truyền thanh của các địa phương hoặc trực tiếp tại các buổi họp thôn, xóm; tăng cường tuần tra, kiểm soát tại những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các tổ, đội PCCCR ở các xã trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, biên soạn tài liệu tập huấn sát với thực tế địa hình cần áp dụng để nâng cao nghiệp vụ chữa cháy rừng cho các thành viên. Từ đó, giúp họ kịp thời xử lý, ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra, áp dụng biện pháp chữa cháy hiệu quả nhất, giảm thiểu các thiệt hại.
Theo đó, nhằm làm tốt công tác thông tin dự báo cháy rừng, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thông báo cấp dự báo cháy rừng trên sóng truyền hình và được cập nhật thường xuyên trên Wedsite của Chi cục Kiểm lâm; phối hợp với Báo Thái Nguyên thực hiện chuyên mục Quản lý Bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức người dân...
Trong trường hợp xảy ra cháy rừng thì phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần) được đặt lên hàng đầu. Với phương châm này, đến nay, lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương đã kiện toàn được 9 ban chỉ đạo PCCCR cấp huyện, 119 ban chỉ đạo cấp xã và 1.132 tổ PCCCR ở thôn, bản. Ngoài ra, Tổ - Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR thuộc các Hạt và Chi cục thường xuyên kiện toàn đảm bảo quân số, sẵn sàng chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Đặc biệt, trong mùa khô năm nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đầu tư 3 tỷ đồng để mua các phương tiện PCCCR như: 2 xe ôtô PCCCR, 5 xe môtô, 8 máy cắt thực bì, 7 máy thổi gió, 3 máy phun nước, 34 bộ đàm, 2 lều cơ động, 2 máy tính xách tay, 8 ống nhòm, 2.000 chiếc dao quắm, 1.500 đôi giày đi rừng...
Ông Ngô Xuân Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Chi cục đã và đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát lực lượng, phương tiện PCCCR; xác định các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao để từ đó đề ra các phương án PCCCR cho phù hợp theo phương châm "4 tại chỗ"; phối hợp với các địa phương tiến hành diễn tập chữa cháy rừng đến tận cấp xã ngay từ đầu mùa khô; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các xã và chủ rừng triển khai nghiêm túc phương án PCCCR; bố trí trực tại các chốt, trạm ở cửa rừng 24/24giờ.
Qua thống kê sơ bộ, mùa khô năm 2009-2010, toàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ cháy rừng với tổng diện tích rừng bị cháy là 37,41 ha, trong đó có 27,12 ha rừng trồng, 0,09 ha rừng tự nhiên và 10,2ha trảng cỏ bụi cây. Các vụ cháy rừng này xảy ra tại các huyện: Định Hoá, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình và T.P Thái Nguyên, mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân đốt bãi với mục đích trồng cây khác ngoài lâm nghiệp, đốt ong, phát dọn thực bì sau đó đốt, trẻ chăn trâu đốt lửa sưởi ấm... Khi xảy ra cháy rừng, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ tập trung chữa cháy. Tuy nhiên, việc chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn do đường đi cách trở, các đội phòng chống cháy rừng cơ sở luôn trong tình trạng thiếu cả về phương tiện và nhân lực.