Giải bài toán phát triển bền vững

09:29, 03/11/2010

Ngày 2-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển năm 2011. Ða số ý kiến băn khoăn về tình trạng nhập siêu và nợ công gia tăng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phát triển của nền kinh tế trong những năm tiếp theo.

 

Vấn đề "nóng" nhập siêu, nợ công

 

Theo ÐB Lê Ðình Khanh (Hải Dương) nền kinh tế của nước ta đã đạt mức tăng trưởng khá nhưng chỉ số giá tiêu dùng tăng đến 8% thậm chí đến 9%, cao hơn nhiều nước trong khu vực: Gần 2 năm trước, ta nói tranh thủ thời cơ suy giảm kinh tế thế giới để tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng năm 2011 này mới bắt đầu thực hiện một bước tái cấu trúc nền kinh tế, phải chăng như thế là quá chậm? Hay nhiều năm trước, Chính phủ và QH đề ra mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì nay ngược lại. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân… - ÐB Lê Đình Khanh nói. ÐB cũng đề nghị chỉ tiêu bội chi ngân sách 5,5% so với GDP là cao và có thể giảm xuống 5%, bằng cách chuyển khoảng 12.000 tỷ đồng từ tăng thu 58.000 tỷ đồng của năm 2010 sang hoặc dành một phần trong số đó, cắt giảm đầu tư công những dự án kém hiệu quả để giảm bội chi.

 

ÐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) đặt vấn đề: Mục tiêu giai đoạn 2006-2010 là tiến tới cân bằng xuất khẩu, nhập khẩu. Nhưng thực tế, 5 năm qua nhập khẩu luôn vượt xuất khẩu, đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng nhập siêu. Trong đó, phải nhập cả những mặt hàng như: Cám, đường, ngô, bột mì, tôm nguyên liệu, thịt gia súc, gia cầm, muối, gỗ, tăm tre, rau củ quả... Theo ÐB Võ Thị Hồng Thoại, để giải quyết nhập siêu cần đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp thông qua các chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh; giải quyết tốt vấn đề công nghiệp phụ trợ, phát triển sản xuất công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, ưu tiên tập trung mọi nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ thuật và cả cơ chế, chính sách để sớm giải quyết vấn đề điện. ÐB cũng cho rằng: "Nếu không tập trung quyết liệt, đồng bộ cho vấn đề phát triển điện năng, tôi e rằng Bộ trưởng Bộ Công thương khó mà yên thân với lời hứa 2011-2012 bảo đảm điện cho yêu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân".

 

Băn khoăn về tình trạng nhập siêu và bội chi, ÐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là nguyên nhân trực tiếp gây bất ổn vĩ mô không chỉ cho năm 2010 mà sẽ còn kéo dài trong những năm tới. "Năm 2009 từ nhập siêu, chúng ta thiếu toàn bộ lượng thanh toán quốc tế tổng thể, chúng ta thâm hụt gần 9 tỷ USD, năm nay dự kiến thêm 4 tỷ nữa là hơn 13 tỷ USD, chúng ta không thể nào có khả năng duy trì ổn định giá trị đồng tiền trong điều kiện tác động rất xấu của thế giới. Phương thức, cách đầu tư của chúng ta làm cho bội chi tăng. Trong năm 2010, mặc dù không có trợ cấp lãi suất và giảm tín dụng từ 38% xuống 25%, nhưng chính sách tài khóa vẫn duy trì nới lỏng trong việc chi chuyển nguồn 2009, thậm chí tạm ứng năm 2011 rất lớn. Khi tăng đầu tư, tăng tín dụng chắc chắn sẽ tăng nhập khẩu và tăng nhập siêu. Ðây là gốc của vấn đề tôi nghĩ cần mổ xẻ để có giải pháp cho năm 2011" - ÐB Trần Du Lịch nói.

 

Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường

 

ÐB Lê Ðình Khanh đề nghị, năm 2011 tất cả các khu công nghiệp và khu chế xuất đang hoạt động đều phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Nếu Chính phủ và chính quyền địa phương kiên quyết thực thi pháp luật, chỉ trong một năm, chắc chắn sẽ chấm dứt tình trạng các khu công nghiệp "nhờn" pháp luật, làm gương cho những doanh nghiệp ở ngoài khu công nghiệp, ngoài khu chế xuất chấp hành theo.

 

Cùng quan điểm, ÐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) nêu, không chỉ khu vực đô thị mà ngay cả vùng nông thôn cũng phải chịu tình trạng ô nhiễm từ khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất. Việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp làm cho đất, nước, nông sản bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và người sử dụng. Nồng độ khí độc hại, bụi ở các nút giao thông, khu vực gần các khu công nghiệp... cao hơn mức cho phép nhiều lần. ÐB Trần Văn Tấn đề nghị Chính phủ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kiên quyết rút giấy phép đầu tư, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết và tiếp tục gây ô nhiễm. Quy trách nhiệm cá nhân với cán bộ quản lý của các cấp, các ngành. ÐB cũng đề nghị QH có chuyên đề giám sát về môi trường.

 

Ðầu tư vào nông thôn là đầu tư cho 70% dân số

 

Liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, ÐB Lê Thanh Liêm (Long An) đề nghị, từ năm 2011 trở đi, Chính phủ gia tăng ngân sách cho chương trình "tam nông" vì đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân là đầu tư cho 70% dân số và 50% lao động. Chính phủ phải chỉ đạo sâu sát hơn việc xuất khẩu lúa gạo và nhiều mặt hàng nông sản khác, để người nông dân và nhà xuất khẩu cùng chung một "nhịp" khi được mùa và được giá; lợi nhuận san sẻ sòng phẳng cho người sản xuất và người kinh doanh. ÐB Lò Văn Muôn (Ðiện Biên) đề nghị, số chương trình dự án cho nông dân, người dân tộc, miền núi, có thể rút gọn, giảm bớt nhưng mỗi dự án, chương trình sau khi đã nghiên cứu cần phải đầu tư thỏa đáng "ra tấm, ra món".

 

ÐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) nêu: Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cần đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch có thể giảm thất thoát từ 10% đến 20%. So với sản lượng gạo xuất khẩu như vậy đã có thêm từ nửa triệu đến một triệu tấn gạo xuất khẩu. ÐB kiến nghị cần đầu tư đổi mới lớn về công nghệ sau thu hoạch, về hệ thống các kho tạm trữ, về hệ thống các dịch vụ, về kỹ thuật...

 

Kết thúc 2 ngày thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển năm 2011 tại hội trường, đã có 79 lượt ĐBQH phát biểu, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân. Đặc biệt, với tinh thần đổi mới, tuy không phải phiên chất vấn nhưng trong 2 ngày đã có 7 vị bộ trưởng trực tiếp trả lời, làm rõ những ý kiến, kiến nghị của ĐBQH.