Ngày 22-11, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị bàn việc phối hợp quản lý, bảo vệ rừng 6 xã phía Bắc huyện Võ Nhai. Đồng chí Đặng Viết Thuần, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị (ảnh).
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh báo cáo về tình hình công quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và các giải pháp nhằm tăng cường thực hiện công tác này tại 6 xã phía Bắc huyện Võ Nhai năm 2010. Theo báo cáo, 6 xã phía Bắc huyện Võ Nhai (gồm Vũ Chấn, Thượng Nung, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thần Sa, Cúc Đường) là khu vực rừng có tính đa dạng sinh học cao, còn nhiều loại gỗ quý hiếm; là nơi sinh sống của hơn 2 nghìn hộ dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số như; Dao, Tày, Nùng, H'Mông, Cao Lan, trong đó gần 50% là hộ nghèo, thiếu việc làm, trình độ dân trí thấp, canh tác, sản xuất lạc hậu; là đối tượng trực tiếp khai thác hoặc làm thuê cho các "đầu nậu" khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Mặt khác, nhu cầu về sử dụng các loại gỗ quý hiếm trên thị trường ngày càng cao, lợi nhuận từ việc buôn bán gỗ lớn khiến cho nhiều đối tượng bất chấp những quy định của pháp luật để tham gia vào việc khai thác, tập kết, buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép với những thủ đoạn ngày càng tinh vi...
Qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng, triển khai các chương trình, dự án, công tác truy quét, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng đã giảm rõ rệt. Tính từ đầu năm đến nay, ngành kiểm lâm đã phối hợp tổ chức được 11 buổi tuyên truyền phổ biến một số kỹ thuật cơ bản trong công tác phòng, chống cháy rừng, thu hút hơn 600 lượt người tham gia; tổ chức 2 đợt truy quét có quy mô nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, đã xử lý hành chính 571 vụ, 2 vụ bị xử lý hình sự, tịch thu hơn 400m3 gỗ quy tròn các loại, 71kg động vật hoang dã, 203 phương tiện vi phạm các loại, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 1,8 tỷ đồng...
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện công tác này như: Cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa thực sự chủ động vào vào cuộc; tình trạng vận chuyển trái phép lâm sản vẫn xảy ra; nguồn tin báo về tình hình khai thác, vận chuyển gỗ sản trái phép từ lực lượng kiểm lâm địa bàn và nhân dân còn ít...
Kết luận Hội nghị, đồng chí Đặng Viết Thuần nhấn mạnh: Rừng Võ Nhai có vị trí, ý nghĩa lớn về quốc phòng, kinh tế, xã hội và môi trường. Thời gian qua, công tác QLBVR tại khu vực 6 xã phía Bắc huyện Võ Nhai đã có sự chuyển biến tích cực từ chỉ đạo đến cách làm nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, một số ngành vẫn chưa tích cực vào cuộc... Để công tác QLBVR đạt hiệu quả cao hơn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng cần coi trọng giải pháp xây dựng lực lượng tham gia QLBVR tại cơ sở. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng đến với người dân; ngành Kiểm lâm công khai cơ chế thưởng cho người có tin báo về hành vi vi phạm trong lĩnh vực QLBVR...