Tiếp tục đóng góp ý kiến vào các báo cáo dự thảo trình kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 15

15:24, 06/11/2010

Trong ngày làm việc thứ 2 (6-11) của UBND tỉnh khóa XI tại phiên họp thứ 66, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Xuân Đương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh đã nghe và cho ý kiến về nội dung 6 báo cáo sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XI, gồm:

 

 [embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]

 

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản 9 tháng năm 2010 (Sở Kế hoạch – Đầu tư); báo cáo về việc tổng kết hoạt động của UBND các cấp từ đầu nhiệm kỳ 2004-2011 đến nay và nhiệm vụ đến hết nhiệm kỳ (Sở Nội vụ); báo cáo công tác lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011-2015 (Sở Tài Nguyên – Môi trường) và 3 báo cáo của Sở Công thương là Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tỉnh giai đoạn 2011-2015; Chương trình phát triển thương mại tỉnh giai đoạn 2011-2015; Đề án phát triển điện nông thôn của tỉnh giai đoạn 2011-2015.

 

Sau khi nghe lãnh đạo các Sở trình bày nội dung báo cáo, Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến vào từng nội dung. Trong số này, báo cáo của Sở Tài Nguyên – Môi trường và Sở Công thương được các đại biểu quan tâm, tham góp nhiều ý kiến hơn cả. Nhiều đại biểu đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường cần tính toán lại việc đưa ra kế hoạch sử dụng ở một số loại đất. Điển hình như đối với diện tích “đất chưa sử dụng” vì hiện số diện tích đất này còn tới gần 16 nghìn ha, trong khi theo kế hoạch đến năm 2020 mới chỉ đưa vào sử dụng 790ha (tương ứng với 5%) tổng diện tích đất này. Ngược lại, đất nông nghiệp thì lại giảm đi 1 diện tích đáng kể, từ 294,6 nghìn ha (năm 2010) xuống còn 274 nghìn ha (năm 2020). Việc tính toán, quy hoạch sử dụng quỹ đất của một số ngành với ngành Tài nguyên - Môi trường còn có sự chênh lệch về diện tích. Đối với Sở Công thương, cần đưa ra đánh giá kết quả thực hiện lấp đầy khu, cụm công nghiệp để từ đó tìm ra nguyên nhân tồn tại và những giải pháp cần khắc phục trong thời gian tới. Có ý kiến cho rằng, tỉnh cần sớm thành lập “Quỹ phát triển đất sạch” thuộc Sở Tài chính để tạo ra được “đất sạch” thu hút các nhà đầu tư trong việc phát triển thương mại, công nghiệp; công tác hỗ trợ làng nghề không nên thực hiện ở khâu mua sắm trang thiết bị, máy móc mà nên tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, nhằm tạo thị trường ổn định, nâng cao thu nhập cho lao động làng nghề… Để kế hoạch, chương trình, đề án của các Sở mang tính khả thi, đạt hiệu quả cao, một số ý kiến đề nghị tỉnh cần thành lập 1 hội đồng phản biện để tham gia, đóng góp vào từng nội dung vì đây là báo cáo cho cả giai đoạn 5 năm. Trước khi đưa ra hội đồng phản biện, sở, ngành chức năng có trách nhiệm gửi báo cáo trước để các đại biểu nghiên cứu.

 

Cùng với việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng chí Phạm Xuân Đương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các sở trong việc chuẩn bị báo cáo với nội dung khá đầy đủ, chi tiết. Đồng chí cho biết, ở mỗi chương trình, đề án, tỉnh sẽ thành lập 1 ban chỉ đạo. Lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách về ngành, lĩnh vực nào sẽ là trưởng ban chỉ đạo của lĩnh vực đó; sở, ngành chức năng sẽ là phó ban thường trực ban chỉ đạo. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đưa ra 1 yêu cầu chung mang tính nguyên tắc đó là, việc lập chương trình, đề án, các sở, ngành nhất thiết phải bám sát vào nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và phải xuất phát trên cơ sở thực tiễn của địa phương cả trong khó khăn, cũng như thuận lợi. Đồng chí đặc biệt lưu ý Sở Tài nguyên và Môi trường phải xiết chặt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực mà ngành phụ trách, nhất là trong việc lập hồ sơ quản lý đất đai, tránh tình trạng chồng chéo, biến đất công thành đất tư như trong thời gian qua; kiểm tra, rà soát những doanh nghiệp, đơn vị thuê đất sử dụng kém hiệu quả để có biện pháp xử lý; việc lập kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn tiếp theo phải căn cứ vào tình hình, nhu cầu thực tế của địa phương.

 

Đối với Sở Công thương, việc thực hiện Đề án phát triển điện nông thôn giai đoạn 2011-2015 phải quan tâm, ưu tiên đầu tư cho những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; khuyến khích việc xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực này. Khi đã có điện, Ngành cần có kế hoạch giúp người dân sử dụng có hiệu quả để phát triển kinh tế, như sử dụng để phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, chế biến nông sản, thực phẩm… quan tâm đầu tư xây dựng chợ đầu mối nhằm tiêu thụ nông sản; có sự gắn kết giữa tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với du lịch để hỗ trợ nhau cùng phát triển…