Rộn ràng Lễ hội Núi Văn - Núi Võ

16:55, 06/02/2011

Trong không khí rộn ràng của mùa xuân mới, chúng tôi hoà cùng du khách thập phương về chảy Hội Núi Văn - Núi Võ linh thiêng - nơi đã từng được vị tướng tài ba Lưu Nhân Chú, một trong những vị công thần khai quốc đầu tiên của triều đại hậu Lê vào cuối thế kỷ XV chọn làm nơi diễn tập, rèn luyện binh sĩ.

 

[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed] 

Lễ hội Núi Văn - Núi Võ năm nay được tổ chức với quy mô cấp tỉnh và huyện Đại Từ vinh dự được tỉnh chọn là điểm khai hội mùa xuân năm 2011 - ngày hội đầu tiên của mảnh đất Thái Nguyên giàu truyền thống yêu nước và nhân văn với ý nghĩa là cầu cho một năm mới an lành. Điều đặc biệt của lễ hội năm nay là Hội Nhà báo tỉnh đã chọn nơi đây để tổ chức khai mạc Hội báo xuân 2011. Đây là một hoạt động hết sức có ý nghĩa bởi Thái Nguyên được biết tới là một trong những cái nôi của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Lễ hội được tổ chức tại Đền thờ danh tướng Lưu Nhân Chú nằm trong quần thể di tích Núi Văn - Núi Võ thuộc xã Văn Yên (Đại Từ) đúng vào ngày mùng sáu tháng hai tức mùng bốn tháng giêng âm lịch. Lễ hội không chỉ hội tụ những người con của mảnh đất Đại Từ giàu truyền thống cách mạng mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương và sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội Nhà báo Việt Nam, các sở, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo giới báo chí.

Dòng họ Lưu ở xã Văn Yên (Đại Từ) rước Lễ vào đền thờ Lưu Nhân Chú

 

Trong lời phát biểu khai mạc ngày hội, đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đã nhấn mạnh truyền thống và những giá trị lịch sử gắn với tên đất tên người Thái Nguyên. Trong những người con ưu tú nhất của mảnh đất địa linh nhân kiệt này phải kể đến vị tướng lưu danh sử sách và là một trong 18 vị tướng giỏi về thao lược quân sự của nước ta, được sử sách ngợi ca, ông đã làm rạng danh dòng họ Lưu ở huyện Đại Từ. Sinh trưởng trong một gia đình bốn đời thế tôn làm quan nhiều trấn ở vùng Thái Nguyên, Lưu Nhân Chú đã sớm được giác ngộ truyền thống yêu nước và ý chí diệt giặc ngoại xâm. Năm 1409, khi đất nước bị giặc Minh xâm chiếm, Lưu Nhân Chú đã tìm đường theo Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa. Lưu Nhân Chú đã nhanh chóng trở thành một trong những vị tướng trụ cột của nghĩa quân Lam Sơn. Cùng với các tướng lĩnh khác, ông đã chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch quan trọng. Đặc biệt là trận đánh ải Chi Lăng, ông đã cùng các tướng lĩnh tiêu diệt tướng giặc Liễu Thăng và 10 vạn quân địch. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Lưu Nhân Chú chủ yếu gắn liền với quê hương, với sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước. Ông đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp đáng trân trọng, một tấm lòng trọn đời vì nước vì dân. Mảnh đất Đại Từ hôm nay và mai sau mãi nhắc tên ông. Hôm nay đây, nhiều ngôi trường, những con đường trên địa bàn tỉnh đã vinh dự mang tên ông. Việc mở hội khai đàn trong ngày đầu xuân mới tại mảnh đất linh thiêng này là để cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Điều đáng nói, đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm (2010-2015). Với ý nghĩa đó, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ phát huy truyền thống cách mạng, tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2011.

 

Đến đây người dân và du khách thập phương dâng những nén hương trầm thành kính trước vong linh của vị tướng hiền tài của dân tộc, mà còn được sống trong không khí uy nghiêm của phần dâng lễ, rước lễ của dòng họ Tướng quân Lưu Nhân Chú, của đoàn đại biểu đại diện cho lãnh đạo tỉnh, huyện và xã Văn Yên, mà còn chứng kiến phần Hội với khí thế hào hùng, giục giã của màn trống hội, những màn hát múa tái hiện lại tiếng vọng ngàn đời trong lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông ta. Chúng tôi vinh dự được gặp ông Lưu Sỹ Long, Trưởng dòng họ Lưu của xã Văn Yên dẫn đầu đoàn rước trong ngày Hội. Trò chuyện cùng chúng tôi ông tự hào kể: "Dòng họ Lưu ở xã Văn Yên hiện có hơn 200 hộ. Phát huy truyền thống kiên trung của Danh tướng Lưu Nhân Chú trong dòng họ chúng tôi đều răn dạy con cháu nỗ lực trong học tập, công tác để xứng đáng với cha ông. Trong dòng họ có rất nhiều con cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, đi công tác ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Lễ hội Núi Văn-Núi Võ được tổ chức hằng năm vào ngày mồng Bốn tháng giêng từ đời này sang đời khác là lễ hội quan trọng nhất của bà con nhân dân 2 xã Văn Yên, Ký Phú nói riêng và huyện Đại Từ chúng tôi nói chung".

 

Góp thêm sắc xuân cho lễ hội năm nay, Hội Nhà báo tỉnh đã chọn nơi đây để tổ chức Hội Báo Xuân năm 2011. Đây là dịp để tôn vinh những giá trị của văn hoá đọc, quảng bá hình ảnh của báo chí nước nhà và đặc biệt là tỉnh Thái Nguyên đến với nhân dân. Phát biểu tại lễ Khai mạc Hội Báo Xuân, đồng chí Phan Hữu Minh, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh khẳng định: Từ mấy chục năm nay, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, báo giới cả nước lại tổ chức Hội Báo Xuân nhằm quảng bá và tôn vinh những giá trị mà nền báo chí cách mạng nước nhà đã gặt hái được trong năm qua. Từ đó hoạch định hướng đi trong nội dung tuyên truyền của năm tiếp theo. Hội Báo Xuân năm nay được tổ chức tại quần thể di tích Núi Văn - Núi Võ là để nhiều bạn đọc được tiếp cận với báo chí hơn. Với hơn 500 đầu báo, tạp chí được trưng bày tại đây là dịp để nhân dân được tiếp cận với văn hoá đọc. Số sách, báo, tạp chí sau khi phục vụ nhân dân đọc tại Hội Báo Xuân sẽ tặng lại cho xã Văn Yên".

 

Đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng các đại biểu thăm quan nơi trưng bày các ấn phẩm báo chí của tỉnh Thái Nguyên.

 

Là một người con của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng xã Văn Yên, Trần Thị Thanh Hải hiện đang là sinh viên năm thứ ba của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên nhận xét về Lễ hội năm nay như sau: Năm nào em cũng đi xem lễ hội Núi Văn - Núi Võ. Năm nay em thấy lễ hội được tổ chức quy mô, hoành tráng hơn những năm trước rất nhiều. Qua Lễ hội em càng tự hào về quê hương của mình và tự nhủ sẽ học tập thật tốt để sau này về xây dựng địa phương. Lễ hội năm nay có thêm gian trưng bày Hội Báo Xuân với nhiều ấn phẩm báo chí đẹp. Tại đây chúng em được đọc rất nhiều bài báo viết về các mặt của cuộc sống và những đổi thay trên quê hương Đại Từ của em. Theo em những ấn phẩm này rất có ích cho người dân bởi sau khi đọc nhiều người sẽ học tập được cách làm ăn, cũng như xây dựng những nếp sống đẹp trong cộng đồng".

 

Việc tổ chức lễ hội Núi Văn - Núi Võ hằng năm ngoài ý nghĩa thể hiện lòng thành kính đối với công lao to lớn của các danh nhân nói chung và danh nhân lịch sử Lưu Nhân Chú nói riêng, nhằm giữ gìn các giá trị lịch sử còn như nhắc nhở, giáo dục truyền thống đối với thế hệ hôm nay và mai sau. Tiết trời hôm nay ấm áp hơn, hơi thở nồng nàn của mùa xuân đã dâng tràn muôn nơi, để ngày mai đây anh công nhân vào xưởng máy, bác nông dân bắt nước vào đồng để cây lúa đơm bông, đàn em nhỏ rít rít tới trường… còn các nhà báo chúng tôi thì rong ruổi trên đường đưa hơi thở của cuộc sống vào mỗi trang báo để sớm mai tới tay bạn đọc gần xa...