Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch LMLM

09:23, 12/02/2011

Ngày 11/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh đã tổ chức cuộc họp bàn nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) gia súc trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp (ảnh).

 

Theo báo cáo của Chi cục Thú y, ổ dịch LMLM đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh vào 27/12/2010, tại xã Bình Long (Võ Nhai). Với tốc độ lây lan nhanh, đến ngày 10/2/2011, dịch đã xảy ra tại 737 hộ gia đình, ở 276 xóm, của 101 xã, thuộc 9/9 huyện, thành, thị. Tổng số gia súc mắc bệnh là 2.996 con, trong đó, đã tiêu huỷ 131 con nghé, 25 con trâu, 2 con bò, 12 con bê và 1.559 con lợn. Nhằm ngăn chặn và dập dịch, tỉnh ta đã thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật cấp tỉnh, 24 chốt cấp huyện và duy trì hoạt động 24/24 giờ. Các chốt kiểm dịch này đã phát hiện, xử lý 18 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tiêu huỷ 10 con trâu, 10 con lợn,  trên 7,3 tạ sản phẩm động vật, phạt hành chính số tiền gần 22 triệu đồng.

 

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, khác với những lần xuất hiện dịch trước, năm nay, dịch LMLM có những điểm bất thường. Những năm trước, trâu, bò mắc bệnh và chết nhiều hơn. Nhưng lần này, lợn mắc dịch nhiều hơn các gia súc khác, tỷ lệ  gia súc chết cao hơn. Do vậy, các đại biểu đã đề nghị cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch, như: tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về mối nguy hiểm của dịch bệnh; thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc sớm hơn những năm trước; quan tâm theo dõi, quản lý tại đình những gia súc mắc bệnh; đẩy mạnh các biện pháp xử lý ổ dịch. Những vùng có dịch cần khử trùng, tiêu độc bằng vôi bột để khống chê lây lan, khi phát hiện gia súc nhiễm dịch phải tiêu huỷ ngay...

 

Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Đặng Viết Thuần đã ghi nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền, địa phương nhưng cũng nhắc nhở, một số nơi còn chủ quan với dịch bệnh. Theo đó, đồng chí yêu cầu tại các địa phương trong tỉnh, các cấp uỷ, chính quyền phải tích cực vào cuộc hơn nữa; thực hiện công bố dịch theo quy định của Nhà nước. Để chủ động dập dịch, trước mắt, đồng chí yêu cầu các địa phương phải tìm ổ dịch để dập; chốt chặt tại địa bàn xã, nghiêm cấm vận chuyển gia súc mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không tái phát sinh đàn gia súc mới trong vùng có dịch bệnh. Đồng chí cũng giao cho cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (Sở Nông nghiệp và PTNT) giúp tỉnh tổ chức, kiểm tra và chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, trong đó có việc đề xuất và thống nhất các vấn đề liên quan đến tài chính. Về phía Sở Y tế, phải khuyến cáo nhân dân không sử dụng sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc; Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục Thú y tăng cường công tác kiểm tra, giám sát... Về lâu dài, để ngăn chặn dịch bệnh, đồng chí yêu cầu, Chi cục Thú y phải làm tốt công tác tiêm phòng vắc–xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của địa phương; triển khai quy hoạch về chăn nuôi…